Trước trận đấu này, người ta đã nói tới sự phức tạp tại bảng E, bởi Costa Rica bị cho là đội yếu nhất bảng, đồng nghĩa với việc không chỉ Tây Ban Nha mà cả Đức và Nhật Bản đều cần đảm bảo giành trọn 3 điểm trước đại biểu Trung Mỹ để có hiệu số bàn thắng bại tốt nhất có thể. Thứ đến là việc có thể cả Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản cùng 6 điểm (nếu đội Đức thắng Tây Ban Nha và Tây Ban Nha thắng Nhật), và khi ấy các chỉ số phụ sẽ được tính đến.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các cầu thủ "Samurai xanh” tràn lên tấn công ngay sau hồi còi khai cuộc. Họ không chỉ cho thấy sự tự tin mà cả sự quyết tâm cao độ từ những bước chạy tới các tình huống tranh chấp quyết liệt, phối hợp nhanh ngay bên phần sân đối phương. Dù vậy, có vẻ khát khao chiến thắng cao độ ấy lại khiến một vài cầu thủ Nhật Bản rơi vào trạng thái trương lực (sự hưng phấn quá độ dẫn tới thiếu đi sự chính xác trong các nhịp tấn công quyết định).
Ngược lại, phía Costa Rica dường như cũng đã rất "thấm” bài học từ trận thua thảm 0-7 trước Tây Ban Nha. Họ bố trí đội hình không quá thấp, rất chủ động áp sát tranh chấp (thay vì để quá nhiều khoảng trống cho cầu thủ đối phương như trận trước) và khá tập trung trong bọc lót ở hệ thống phòng ngự. Điều này đã khiến cách tấn công thiên về phối hợp bóng ngắn của Nhật Bản gặp khó khăn. Vâng, đấy là một Costa Rica rất khác: Chơi chặt chẽ và quyết tâm hơn hẳn so với trận thua tan tác 4 ngày trước. Bởi vậy, sau ít phút đầu trận đấu, thế trận dần trở nên bớt chênh lệch khi Costa Rica bắt đầu giữ bóng chắc chắn bên sân nhà và tổ chức được một vài tình huống phản công.
Nhật Bản thua đau
Trong tình thế ấy, HLV Moriyasu (Nhật Bản) cũng tỏ ra rất chủ động trong việc điều chỉnh nhịp độ trận đấu. Đại biểu châu Á không tấn công gấp như những phút đầu nữa mà phối hợp ban bật lâu hơn ở giữa sân và bên phần sân Costa Rica để lôi kéo đội hình của đối thủ và chờ những cơ hội thích hợp để tăng tốc. Có vẻ nhiều khán giả yêu mến tuyển Nhật Bản cũng bắt đầu cảm thấy sốt ruột.
Bước vào hiệp 2, Nhật Bản tung Asano và Ito vào sân nhằm gia tăng sức sáng tạo và khả năng đột biến, cùng với đó là sự tăng tốc trên mặt trận tấn công. Ngay lập tức, "Samurai xanh” chiếm lĩnh thế trận, liên tục hãm thành và ép đối phương lùi sâu hơn về sân nhà. Dẫu vậy, Costa Rica vẫn bình tĩnh tổ chức phòng ngự với số đông rất chặt chẽ và tập trung. Sự nguy hiểm của hàng công Nhật Bản được gia tăng thêm khi phát huy khả năng kỹ thuật, tận dụng khả năng cầm bóng đột phá của các cầu thủ buộc hậu vệ Costa Rica phải phạm lỗi ở gần khu phạt bóng. Nhưng ngay cả khi có các cơ hội đá phạt trực tiếp rất gần cầu môn đối phương thì các chân sút của Nhật Bản cũng không tận dụng tốt.
Và bóng đá nói chung, sân chơi World Cup nói riêng luôn tiềm ẩn những bất ngờ nghiệt ngã. Trong lúc Nhật Bản miệt mài tấn công mà không có bàn dẫn trước, Costa Rica đã trừng phạt họ trong 1 tình huống tấn công tưởng không mấy nguy hiểm. Sự hớ hênh, mất tập trung của các hậu vệ áo xanh đã giúp cầu thủ chạy cánh phải Fuller có cơ hội tung ra cú dứt điểm vào góc xa, làm bó tay thủ thành Gonda. Một bàn thắng gây ngỡ ngàng tất cả, y như cách Nhật Bản từng ghi bàn ấn định thắng lợi 2-1 trước tuyển Đức ở trận trước. Tinh thần quả cảm và sự kiên trì, kiên nhẫn của Nhật Bản từng thể hiện trong trận thắng Đức nay lại thấy ở Costa Rica.
Sự "vô duyên” của các cầu thủ Nhật Bản tiếp tục "ám” họ ngay cả khi đã có cơ hội rất tốt ở phút 88 với 7-8 cầu thủ áo xanh trong khu phạt bóng, áp sát khung thành của đối phương nhưng lúng túng dứt điểm không chính xác.
Chiến thắng của Costa Rica trước Nhật Bản thật sự gây ngỡ ngàng, một đội từng thua tới 0-7 ở trận ra quân quật ngã đội từng tạo nên chiến thắng ấn tượng bậc nhất của World Cup 2022. Nhưng bóng đá là thế, vốn không hề đơn giản như những phép tính cộng.
(Theo TNO)