Cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/3/2019 | 8:12:49 AM

Dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 24/2, bệnh đã xuất hiện tại 4 tỉnh gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa. Phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hiểu rõ hơn về loại dịch bệnh nguy hiểm này và các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ngành nông nghiệp Yên Bái đang khẩn trương vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngành nông nghiệp Yên Bái đang khẩn trương vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.

P.V: Xin ông cho biết rõ hơn về sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi?

Ông Trần Đức Lâm: Bệnh dịch tả lợn châu Phi ( ASF) là dịch truyền nhiễm nguy hiểm do virút gây ra. Theo thông tin từ tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến nay, đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 1 triệu con. Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến 18/2/2019 đã phát hiện 105 ổ dịch tại 25 tỉnh với 950.000 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy; trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông tiếp giáp với biên giới Việt Nam. 

Tại Việt Nam tính đến ngày 24/2, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa với 1.000 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. 

Sự nguy hiểm của bệnh dịch là khả năng lây lan bằng các con đường khác nhau như lây nhiễm trực tiếp, lây nhiễm qua chất thải, nước thải, côn trùng. Mọi lứa tuổi, chủng loại lợn đều có thể mắc bệnh và tỷ lệ chết cao đến 100%. 

Đặc biệt, hiện nay chưa có vắc xin để phòng bệnh và cũng không có thuốc đặc hiệu để chữa trị bệnh. Vi rút gây bệnh dịch tả châu Phi khi lưu hành trong môi trường có kháng thể rất mạnh. Vì vậy, khi lợn bị mắc bệnh này đều phải tiêu hủy bắt buộc và công tác tiêu trùng, khử độc môi trường xung quanh ổ dịch phải được xử lý triệt để.

P.V: Xin ông cho biết dấu hiệu nào để nhận biết loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Ông Trần Đức Lâm: Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu trứng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu trứng không khác biệt so với triệu trứng của bệnh dịch tả lợn thông thường. 

Do đó, việc chẩn đoán khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu trứng lâm sàng, cần lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi. 

Người dân khi phát hiện lợn có các triệu trứng như: không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước; lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da dưới phần bụng và ngực, có thể có màu sẫm xanh tím... cần báo ngay cho cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các tác nhân gây bệnh.

P.V: Tỉnh Yên Bái đã có giải pháp gì để phòng tránh nguy cơ bị xâm nhiễm loại dịch bệnh nguy hiểm này thưa ông?

Ông Trần Đức Lâm: Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Yên Bái thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu là rất cao, nhất là các địa phương có chăn nuôi với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch, có các tuyến quốc lộ đi qua. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nguy hiểm này, UBND  tỉnh đã ban hành kế hoạch và công điện yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm Sở NN&PTNT cũng xây dựng kịch bản ứng phó nhanh với dịch. Như tôi cũng đã đề cập, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính. 

Trong đó, tập trung vào 3 biện pháp chủ yếu đó là: tăng cường chăm sóc, đồng thời, làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng, mở rộng các hình thức chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch; chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho lợn tránh lây nhiễm chéo như: dịch tả lợn, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn lợn, nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Tỉnh đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng mua 6 tấn thuốc sát trùng, bơm tiêm, kim tiêm, phích lạnh. 

Đối với công tác tiêm phòng thì các loại vắc xin: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn các hộ chăn nuôi tự bỏ tiền mua và chi trả công tiêm. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai khử trùng, tiêm vắc-xin từ ngày 5/3 đến hết ngày 30/4 sẽ hoàn thành công tác tiêm phòng. 

Ngoài ra, để phòng dịch ngành sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép cần báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

P.V: Xin cám ơn ông!

Văn Thông (thực hiện)

Các tin khác
Bộ NN-PTNT báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình dịch tả lợn sáng 28-2.

Theo Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) báo cáo sáng nay 28-2, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 6 tỉnh và thành phố và có dấu hiệu lan rộng.

Đến giữa tháng 2/2019, trên địa bàn huyện Văn Yên có 555 con lợn của 58 hộ gia đình tại 14 các xã: Đông Cuông, An Bình, Mậu Đông, Tân Hợp, Xuân Tầm, Đông An, Yên Phú, Đại Sơn, An Thịnh, Lâm Giang, Đại Phác, Hoàng Thắng, Phong Dụ Hạ và thị trấn Mậu A mắc bệnh lở mồm long móng.

Quang cảnh họp báo.

Chiều 27/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tổ chức họp báo về tình hình dịch tả lợn Châu Phi và biện pháp phòng chống dịch.

Cho đến hết ngày 25/2/2019, dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại thị trấn Yên Thế đã được khống chế thành công, không xuất hiện thêm dịch trên đàn lợn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục