Do yếu tố lây lan nhanh, gây nguy hiểm cho đàn lợn trong khi vẫn chưa có vắc -xin đặc trị, do đó, để chủ động phòng, chống cho đàn lợn, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp, không để xảy ra dịch bệnh.
Đặc điểm của bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh lây lan nhanh gây chết đến 100% gia súc mắc bệnh; đồng thời, nguy cơ bệnh DTLCP từ nước ngoài xâm nhiễm vào tỉnh Yên Bái thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao, nhất là các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch, có các tuyến đường quốc lộ đi qua.
Do đó, để chủ động phòng tránh thì giải pháp phòng bệnh được coi là yếu tố then chốt, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ. Tuyệt đối không giấu dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh như dịch tả lợn, tụ huyết trùng và lở mồm long móng.
Ngoài các kịch bản ứng phó với bệnh dịch có thể xảy ra, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành, cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; không cho nhập lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa phương, đặc biệt là các địa phương có tuyến quốc lộ đi qua và vào địa bàn tỉnh.
Phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật. Thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Đặc biệt, thời gian tới, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên động vật, tỉnh sẽ ra quân triển khai và tổ chức triển khai tiêm phòng vắc - xin cho đàn vật nuôi, như vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò và vắc - xin lở mồm long móng, vắc - xin phòng bệnh dịch tả lợn, vắc - xin tụ huyết trùng lợn... Đồng thời, tổ chức đồng loạt triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng cũng như nhiều biện pháp kỹ thuật khác.
Hiện nay, bệnh DTLCP chưa có vắc - xin phòng bệnh và thuốc điều trị; vi rút DTLCP có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn, các chế phẩm từ thịt lợn: xúc xích, dăm bông.
Do đó, để ngăn chặn nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, từ Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu phủ tạng và huyết thanh để giám sát dịch tả lợn. Theo nhận định, tỉnh Yên Bái là vùng có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh DTLCP.
Để đối phó với dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 2 kịch bản ứng phó nhanh với dịch. Đó là, khi chưa phát hiện bệnh dịch sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa bàn có nguy cơ cao, khu vực chăn nuôi nhiều, các địa điểm có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các tỉnh; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nguy cơ của bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn dịch bệnh.
Trường hợp khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, sẽ công bố dịch bệnh; đồng thời, tập trung huy động nguồn lực thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch; khẩn trương xử lý, khoanh vùng ổ dịch; dừng vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn.
Với những giải pháp, kịch bản cụ thể và cùng sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể và người chăn nuôi, hy vọng đàn lợn trên địa bàn tỉnh được bảo vệ an toàn.
Hồng Duyên