YênBái - Thời gian này, các địa phương cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề thời sự trên khắp cả nước. Câu chuyện này không còn là của riêng một cấp nào, một ngành nào, một địa phương nào, một hộ chăn nuôi nào mà đã trở thành mối quan tâm chung và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Chống dịch như chống giặc”.
|
Cán bộ thú y xã Minh Tiến tăng cường vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại cho đàn lợn. (Ảnh: Minh Huyền)
|
Đối với tỉnh Yên Bái, công tác phòng chống bệnh dịch cũng được chú trọng thực hiện quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao nhất ở các địa phương.
Trao đổi về công tác triển khai phòng chống dịch, có đồng chí lãnh đạo một xã vùng thấp cho biết: "Địa phương tiến hành khẩn trương các biện pháp phòng chống bệnh dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có hiểu biết về cách phòng chống, cho các hộ chăn nuôi ký cam kết, rà soát việc thống kê đàn lợn để tiêm phòng vắc-xin, tuyên truyền người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng "5 không” trong ngăn chặn bệnh dịch”.
Trong điều kiện của địa phương, đồng chí chia sẻ đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên tăng cường tuyên truyền để mỗi hộ có nhận thức đúng về bệnh dịch và chủ động, tích cực ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh giữ vai trò hết sức quan trọng.
Qua công tác tuyên truyền liên tục và thường xuyên, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua chính thực tế chăn nuôi của gia đình thì bản thân người chăn nuôi đã ngày càng nâng cao ý thức và tự giác thay đổi hành động để phòng chống bệnh dịch.
Đồng chí kể lại: "Khi cán bộ xã xuống từng thôn, đến từng hộ chăn nuôi để tuyên truyền cách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, phải nói là anh em đều hết sức phấn khởi vì ý thức của nhiều người chăn nuôi đã nâng cao. Họ nói rằng cán bộ tuyên truyền thì cứ tuyên truyền thôi chứ việc chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi là việc thường xuyên của họ rồi. Họ bảo vì nếu không tự giác thực hiện như thế thì nếu có bất cứ bệnh dịch gì xảy ra với đàn vật nuôi thì người chịu thiệt hại về kinh tế đầu tiên là chính họ chứ không phải cán bộ cũng không phải ai khác”.
Đó thật sự là điều đáng mừng bởi thực tế cũng vẫn còn các hộ chưa chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, vẫn chủ quan không tiêm phòng các loại vắc xin nên đàn lợn dễ bị nhiễm bệnh vì nghĩ thời gian nuôi một lứa lợn ngắn, chỉ trong ba bốn tháng.
Chỉ khi công tác phòng chống bệnh dịch được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với ý thức tự giác, chủ động, tích cực của mỗi hộ chăn nuôi thì mới đạt hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Thơm
Thành phố Yên Bái đang tăng cường các giải pháp đồng bộ, cấp bách, nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Huyện Trấn Yên hiện có tổng đàn gia súc chính gần 53.000 con, trong đó đàn lợn trên 46.000 con. Mặc dù đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng cuối năm 2018, đầu năm 2019 đã có 5 địa phương của huyện xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã tổ chức 5 đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương về công tác phòng chống các bệnh dịch, trong đó có dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi.
Ổ dịch được phát hiện tại bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La), địa phương giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.