Nhà ở gần quốc lộ 70, nơi có nhiều phương tiện qua lại nhất là xe chở hàng hóa từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai đi qua, những ngày này, gia đình anh Cù Văn Lượng ở thôn Đá Chồng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình rất lo lắng bởi đàn lợn gần 100 con có thể bị xâm nhiễm dịch bệnh DTLCP.
Mới đầu tư vào chăn nuôi lợn được hơn một năm nay, nên khi có thông tin DTLCP đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng, anh Lượng đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng bệnh cho đàn vật nuôi như phun thuốc tiêu độc khử trùng; rắc vôi bột xung quanh và vệ sinh sạch sẽ chuồng trại; thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Anh Lượng cho biết: "Do bệnh DTLCP không có vắc - xin phòng chống nên gia đình phòng bằng cách tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh khác cho đàn lợn như dịch tả, lở mồm long móng (LMLM); bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng và hàng ngày theo dõi sát sao sức khỏe đàn lợn để có biện pháp xử lý kịp thời”.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch bệnh LMLM hồi tháng 2 vừa qua khiến hàng chục con lợn giống của gia đình bị chết nên những ngày qua khi nghe thông tin và được tuyên truyền về DTLCP, anh Trần Văn Điểm ở tổ 10 thị trấn Yên Bình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo vệ đàn lợn.
Mặc dù không phải nhập con giống từ bên ngoài do gia đình đã chủ động được con giống từ gần chục con lợn nái và 3 lợn đực, nên anh Điểm cũng đã yên tâm hơn khi con giống bảo đảm chất lượng.
Hiện nay, trong chuồng của anh còn gần 50 con lợn thịt. Hàng ngày, anh vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khi ra vào khu vực chăn nuôi, anh thực hiện khử trùng, đặc biệt là không cho người lạ vào khu chăn nuôi.
Là địa phương có tuyến quốc lộ 70 chạy qua dài hàng chục km với nhiều phương tiện chở hàng hóa đi qua, nên nguy cơ xâm nhiễm DTLCP có thể xảy ra bất cứ lúc nào với Yên Bình. Vì vậy, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan rộng như hiện nay, huyện Yên Bình đã chỉ đạo cấp ủy chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi về diễn biến và tác hại của dịch bệnh.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý nắm chắc số lượng đầu đàn, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện những biện pháp kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. UBND huyện đã dựng kế hoạch phòng chống, ngăn chặn DTLCP trên địa bàn huyện, trong đó, đã huy động được nhân dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch; đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức giám sát chặt chẽ tại cơ sở; quản lý chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.
Đặc biệt, thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, vùng có nguy cơ cao được tiêu độc định kỳ. Cơ quan chức năng huyện cũng có khuyến cáo đến người chăn nuôi như: áp dụng các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín và tốt nhất là không sử dụng; không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào; khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc - xin.
Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biện pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại...
H.D