Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện chưa xuất hiện và phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP). Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn là rất cao nếu như chúng ta không quyết liệt phòng chống.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, ngoài việc xây dựng kế hoạch, thành lập các ban chỉ đạo phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác về tận xã, phường chỉ đạo phòng chống dịch; tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi lợn thực hiện "5 không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không giết mổ, tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).
Cùng đó, tổ chức tiêm phòng vắc - xin các loại cho đàn vật nuôi để tăng cường sức đề kháng, nhất là đàn lợn.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có BDTLCP, nhưng để bảo vệ an toàn cho trên 863.000 con gia súc, trong đó, đàn lợn là trên 549.000 con là một nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay. Bên cạnh Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh thì tỉnh đã có các văn bản, chỉ thị, huy động cả hệ thống chính trị, chính quyền từ huyện đến xã, các hộ chăn nuôi nông hộ, trang trại cùng vào cuộc quyết liệt để bảo vệ đàn lợn”.
Tỉnh đã thành lập tổ kiểm soát liên ngành kiểm tra tại các chợ, cơ sở giết mổ, các đầu mối giao thông. Ngành nông nghiệp thành lập 4 tổ công tác gồm những cán bộ giỏi chuyên môn, kinh nghiệm trong chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh về các huyện, xã hỗ trợ phòng chống dịch. Các địa phương cũng đã vào cuộc rất tích cực như các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn… tổ chức thông tin kịp thời đến người chăn nuôi về diễn biến tình hình dịch bệnh.
Tổ chức triển khai vệ sinh, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.
Quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý tốt các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng dẫn vệ sinh tiêu độc khử trùng; quản lý các trang trại chăn nuôi lợn, triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, hành lang lối ra vào trang trại, khu chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi để đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Để hiểu rõ hơn công tác phòng chống dịch tại cơ sở, chúng tôi đến hộ ông Trần Văn Điểm ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình hiện đang nuôi với quy mô 5 lợn nái, 1 lợn đực giống và 75 lợn thịt. Ông Điểm cho biết: "Sau khi nắm bắt được thông tin BDTLCP, gia đình tôi đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn như: cách ly không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi; nguồn thức ăn phải rõ ràng nguồn gốc, kể cả nước uống, nước rửa chuồng trại cũng được đảm bảo sạch. Cùng đó, tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc bôi bột… Hiện nay, vẫn chưa có vắc - xin hay thuốc điều trị BDTLCP nên gia đình tôi chọn giải pháp phòng bệnh là chính”.
Cũng như gia đình ông Điểm, toàn huyện Yên Bình đã có trên 3.000 hộ, cơ sở, trang trại chăn nuôi tiến áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt; tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột ở chuồng nuôi và các khu vực quanh nhà, đường làng, ngõ xóm; đồng thời, ký cam kết thực hiện "5 không”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - ông Lã Tuấn Hưng cho biết: "Huyện đã hướng dẫn nhân dân và người chăn nuôi tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc BDTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát”.
Thanh Phúc