Yên Bái tập trung tiêm phòng cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2019 | 2:01:51 PM

YênBái - Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, ngành nông nghiệp, các địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc - xin cho gia súc.

Bà Nguyễn Thị Mận, tổ 8 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Mặc dù chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng tôi luôn chủ động tiêm vắc - xin phòng chống dịch bệnh cho lợn. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm sóc, tiêm phòng định kỳ nên chưa bao giờ lợn của tôi bị dịch bệnh”.  

Được biết, những ngày qua, cán bộ thuộc tổ thú y của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái đang tập trung lực lượng khẩn trương triển khai có hiệu quả việc tiêm phòng cho gia súc. 

Bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố cho biết: Toàn thành phố sẽ tiêm 6.500 liều vắc - xin dại chó, mèo, 1.500 liều vắc - xin 3 bệnh: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn và 1.500 liều lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn. 

Để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát, thống kê chặt chẽ tổng đàn gia súc, tổ chức tập huấn kiến thức nhằm nâng cao kỹ thuật cho đội ngũ thú y, Trung tâm đã cử cán bộ về tất cả các xã, thị trấn không chỉ đôn đốc việc tiêm phòng mà còn trực tiếp tuyên truyền để người chăn nuôi có thêm kiến thức trong bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh, an toàn. 

"Đến nay, thành phố tiêm được trên 4.000 liều vắc - xin dại chó và cơ bản hoàn thành 1.500 liều vắc - xin 3 bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn” - bà Phương nói.

Theo kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh sẽ tiêm 755.500 liều vắc - xin các loại cho gia súc. Trong đó, một nửa sẽ được tiêm phòng tập trung vào đợt 1 năm 2019 và được triển khai đồng loạt tại các địa phương trong tỉnh từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4. 

Ngoài ra, nhằm từng bước thanh toán dịch LMLM toàn tỉnh sẽ tiêm toàn bộ số lợn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 90% tổng đàn. Trong đó, UBND tỉnh cấp kinh phí mua vật tư, dụng cụ tiêm phòng, thuốc sát trùng để tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi lợn; kinh phí mua vắc - xin LMLM do hộ chăn nuôi chi trả; công tiêm, công phun và chi phí khác do các địa phương hỗ trợ. 

Để người chăn nuôi nắm được chủ trương của tỉnh, ngành nông nghiệp đã triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đầy đủ thông tin; đồng thời, vận động bà con nêu cao ý thức, trách nhiệm chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong khung thời vụ tốt nhất. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để đợt tiêm phòng đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt, phát huy tối đa hiệu quả của vắc - xin, Chi cục đã yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, ở các hộ, trang trại trong diện phải tiêm phòng để lên kế hoạch mua vắc - xin. 

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc - xin, bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm. Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về phòng ngừa dịch bệnh. 

"Đến thời điểm này, Chi cục đã cung ứng 1.500 liều vắc - xin dịch tả lợn, 1.500 liều vắc - xin kép tụ huyết trùng, phó thương hàn, 5.000 liều vắc - xin dại chó và 67.450 liều vắc - xin LMLM và 6.000 lít thuốc sát trùng đến các địa phương” - ông Đức thông tin. 

Tiêm vắc - xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển các địa phương trên địa bàn tỉnh cần triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, yêu cầu.  

 Văn Thông

Tags Yên Bái dịch bệnh gia súc vắc-xin dại

Các tin khác
Phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông qua chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn dịch. Trong đó, từ ngày 21/3, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tại huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải. 

Dịch tả lợn châu Phi không chỉ khiến ngành sản xuất thịt tại Trung Quốc phải đau đầu mà căn bệnh này còn tấn công cả chuỗi cung ứng thịt lợn toàn cầu, đẩy giá lên cao.

Tiêu hủy lợn trong vùng dịch. Ảnh minh họa.

Đến ngày 16/4, tất cả 6/6 huyện, thành phố trong tỉnh Hà Nam đều đã xuất hiện các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi với hơn 5.300 con lợn của 390 hộ phải tiêu hủy.

Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giải pháp hiện nay là phải chăn nuôi sinh học, không để vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào các trang trại lớn chăn nuôi chất lượng cao, công nghệ cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục