Sau khoảng 10 năm kể từ khi dịch bệnh tai xanh trên lợn được kiềm chế, năm 2019 người chăn nuôi trên cả nước lại đối diện với nhiều loại dịch bệnh cùng lúc; trong đó có dịch tả lợn châu Phi, một loại dịch bệnh có khả năng gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như phá vỡ kết cấu của cả ngành chăn nuôi.
Chỉ sau hơn 2 tháng, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 23 tỉnh, thành phố, với số lượng lợn phải tiêu huỷ trên 85.000 con.
Đến thời điểm này, mặc dù tốc độ lây lan của dịch tả lợn châu Phi đã chững lại nhờ sự quyết liệt của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững thì cần có những giải pháp mang tính lâu dài nhằm kiểm soát dịch bệnh trên gia súc hiệu quả.
* Còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 28 triệu con. Trong số này chỉ có hơn 10.000 trang trại chăn nuôi có quy mô tổng đàn lớn, còn lại phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Thực tế cho thấy, dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi bùng phát đều xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Trong khi đó, các trang trại có quy mô lớn đều không bị ảnh hưởng do họ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Gần đây nhất, mặc dù đã được cảnh báo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xâm nhiễm vào Việt Nam. Không những thế, bệnh dịch tả lợn châu Phi còn có xu hướng lây lan ra diện rộng trong thời gian ngắn. Sau hơn 2 tháng, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay (tính đến ngày 5/4) dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổng số lợn phải tiêu huỷ là trên 85.000 con.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng là rất lớn, bởi thời tiết bất lợi, trong khi đó quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ chiếm phần lớn..., người dân thường chủ quan và không áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nói về nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phổ biến nhất là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Điều này dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
Bên cạnh đó, vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ, lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Một nguyên nhân nữa là qua các kết quả điều tra tại ổ dịch ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên cho thấy, các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng.
Ngoài ra, một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lý tiêu huỷ lợn bệnh không vệ sinh triệt để; các dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi chưa được vệ sinh, phun thuốc sát trùng đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi bổ sung, cả nước có khoảng 2,5 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, nhưng số lượng lợn nuôi chỉ chiếm hơn 40% so với tổng đàn. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư nên khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Đây là một trong những lý do khiến trong một thời gian ngắn tốc độ dịch tả lợn châu Phi lan ra 23 tỉnh, thành phố.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong các giải pháp là phải tập trung phòng ngừa dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Quan trọng nhất là thực hiện vệ sinh chuồng trại nuôi; tiến hành các biện pháp dập dịch theo kịch bản đã ban hành. Đặc biệt, khi phát hiện có dịch cần báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý. Đồng thời, quản lý chặt chẽ vận chuyển lợn, thực hiện theo quy mô từng địa phương.
"Nếu không kiểm soát tốt để dịch bệnh lây lan vào phía Nam thì rất nguy hiểm, bởi khu vực này có các tỉnh trọng điểm về chăn nuôi như Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trên Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Một giải pháp nữa là các địa phương cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tiêu hủy đàn lợn bệnh; tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn việc bán tháo lợn bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn. Đặc biệt, rà soát lại toàn bộ quy trình phòng, chống dịch để từ đó có giải pháp căn cơ hơn.
"Đối với hộ đã có dịch, đề nghị không tái đàn vào thời điểm này, khi nào có kết luận của cơ quan chuyên môn an toàn thì mới tái đàn," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
*An toàn sinh học - giải pháp tối ưu
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên thế giới gần 100 năm nay và đến thời điểm này các tổ chức quốc tế vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng bệnh cũng như chưa tìm được thuốc đặc trị chữa bệnh. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giải pháp hiện nay là phải chăn nuôi sinh học, không để vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào các trang trại lớn chăn nuôi chất lượng cao, công nghệ cao.
"Qua hơn 2 tháng xảy ra dịch bệnh, chúng ta rút ra được kinh nghiệm là tất cả các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bởi vậy các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải rà soát tổng thể các biện pháp an toàn sinh học của mình, đảm bảo cao nhất về cơ sở vật chất; quy trình kỹ thuật; tổ chức sản xuất, xử lý môi trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ngăn chặn tối đa dịch tả lợn châu Phi vào miền Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trước mắt tất cả các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học từ vệ sinh, giám sát, phát hiện, xử lý..., đảm bảo đúng quy trình phòng, chống dịch đã ban hành.
Đối với các hộ chăn nuôi quy mô có tổng đàn lớn, đặc biệt là các hộ quản lý đàn hạt nhân (đàn nái cơ bản) cần phải gia tăng các biện pháp phòng hộ để đảm bảo an toàn cho đàn giống. Thời gian tới, khi dịch bệnh ổn định thì có cơ sở đàn giống tốt cho việc nhân đàn.
"Hiện vẫn còn những xe vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn từ Bắc vào Nam nên phải giám sát chặt chẽ bằng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, cùng với các biện pháp khác nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ dịch bệnh gây ra đối với đàn lợn tại khu vực phía Nam" - Bộ trưởng Cường nói.
Đối với các địa phương cần rà soát và củng cố lại hệ thống thú y cơ sở từ cấp tỉnh, huyện, xã. Bởi hiện nay, chăn nuôi của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhỏ, lẻ.
Chính vì vậy, lực lượng thú y là vô cùng quan trọng. Do đó, các địa phương cần củng cố lại lực lượng này nhằm đảm bảo các điều kiện hoạt động, trước hết là bệnh dịch tả lợn châu Phi, sau đó là các dịch bệnh khác.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, đại diện một tập đoàn lớn cho biết, sau khi có thông tin cảnh báo về bệnh dịch tả lợn châu Phi, tập đoàn đã tăng cường các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh.
Quá trình sản xuất thức ăn từ nhà máy đến khu chăn nuôi của tập đoàn đều sử dụng xe có bạt che phủ kín và sát trùng để đảm bảo thức ăn không tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, tất cả các trang trại của tập đoàn không nhập con giống bên ngoài mà tự cung ứng giống trong trang trại, đảm bảo vòng quay của con giống từ lợn con, lợn thịt đến lợn hậu bị.
"Khi có bệnh dịch, chúng tôi đã nâng mức cho Ban điều hành nhà máy giết mổ ở mức cảnh báo đỏ, không cho những người không phận sự tiếp cận với khu chế biến" - vị đại diện tập đoàn chia sẻ.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cho rằng, việc khống chế dịch tả lợn châu Phi không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn mà còn phải tính đến lâu dài là kiểm soát được dịch bệnh này thông qua việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và thay đổi cấu trúc quy mô chăn nuôi.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh. Do đó, phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở tất cả các ngành hàng như thịt lợn, gia cầm, thuỷ sản…; trong đó, có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp với đặc thù riêng, họ thực hiện kiểm soát nội bộ theo chuỗi rất tốt. Họ trang bị cho nhau những kiến thức cụ thể, thay đổi kỹ năng, thói quen chăn nuôi theo một tiêu chuẩn chặt chẽ. Vấn đề này, các nước có nền chăn nuôi tiên tiến đã làm lâu rồi và rất hiệu quả. Do đó liên kết sẽ là câu trả lời hiệu quả nhất nhằm tái cơ cấu nhanh nhất ngành chăn nuôi để hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi" - ông Dương nhấn mạnh.
(Theo Tin tức)