Giải trình trước Quốc hội về bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm.
Dù các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, người dân đã triển khai nhiều giải pháp, song do đặc thù của loại bệnh này, đến ngày 4/6, dịch đã lan tới 53 tỉnh, thành, trên 3.000 xã với trên 2,2 triệu con lợn (117 ngàn tấn) bằng 6,5% tổng đàn bị chết và tiêu hủy, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.
Chăn nuôi lợn đang giải quyết sinh kế cho trên 2,4 triệu hộ dân nhỏ lẻ và trên 10.000 hộ chăn nuôi trang trại. Nếu không có giải pháp tích cực, BDTLCP sẽ lan vào cả những hộ chăn nuôi lớn.
Tại Yên Bái, BDTLCP đang diễn biến hết sức phức tạp, ngày một lan rộng và ngày nào cũng phát sinh thêm vài ổ dịch mới. Nếu như ngày 27/5 dịch bệnh mới xảy ra tại 404 hộ, 50 thôn, bản, tổ, 27 xã, phường, thị trấn tại 8 huyện, thị xã, thành phố, số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 1.826 con (77.289 kg) thì đến ngày 2/6/2019 đã lan ra 507 hộ chăn nuôi, 65 thôn, bản, tổ, 35 xã, phường, thị trấn.
Trong đó, huyện Văn Chấn có 3 thị trấn, Trấn Yên có 3 xã, Trạm Tấu 8 xã, Lục Yên 4 xã, Yên Bình 2 xã, Văn Yên 6 xã, thành phố Yên Bái 3 xã, phường và thị xã Nghĩa Lộ 5 xã, phường. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 2.293 con (93.968 kg).
Như vậy, sau đúng một tuần đã phát sinh thêm 103 ổ dịch, 15 thôn, bản, tổ và 8 xã với gần 500 con lợn chết và tiêu hủy.
Tỉnh đã cấp 7.022 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch; cấp 3 máy kích điện giết lợn phục vụ cho tiêu hủy lợn; trang bị 6 máy phun động cơ phục vụ tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và chốt kiểm soát dịch bệnh.
Thành lập 10 chốt kiểm dịch trên tỉnh lộ, quốc lộ và 45 chốt tại các xã; trong đó, huyện Trạm Tấu 12 chốt, huyện Văn Chấn 1 chốt, Yên Bình 9 chốt, Trấn Yên 7 chốt, thành phố Yên Bái 5 chốt, Lục Yên 11 chốt. Có thể nói, công tác phòng chống BDTLCP trên địa bàn được triển khai và thực hiện đồng bộ.
Tuy nhiên, đây là bệnh dịch hết sức nguy hiểm khi tấn công vào đàn lợn sẽ gây chết 100%. Một vấn đề nữa, đây là loại virus tồn tại trong điều kiện thời tiết bình thường và lây truyền rất nhanh qua nhiều đường, trong khi đến nay vẫn chưa có thuốc phòng và chữa loại bệnh này.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng dịch bệnh lây lan và khó kiểm soát là trong thời gian gần đây, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, trong khi phần lớn chăn nuôi ở Yên Bái là nông hộ, nhỏ lẻ, chăn nuôi liền kề xen kẽ trong khu dân cư từ thành thị đến vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, việc lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại những xã, thôn, bản chưa thực sự hiệu quả, bởi lập chốt đầu vào nhưng không thể kiểm soát hết đầu ra, đường vào xã, vào thôn nối vòng quanh, liên vùng nên nếu chỉ đặt một chốt thì không thể kiểm soát được 100%...
Cùng đó, có một số hộ dân, người chăn nuôi khá thờ ơ hoặc không có ý thức trong phòng chống dịch bệnh, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Sự thờ ơ được lý giải là, chăn nuôi trong vùng dịch không được buôn bán, vận chuyển lợn trong khi lợn của gia đình không bị dịch bệnh và cũng đã đến lứa xuất bán.
Một vấn đề nữa, hiện nay, giá lợn hơi mua bán đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất thấp (dao động từ 22.000 đồng đến 24.000 đồng/kg). Đây là một mức giá thấp kỷ lục, trong khi đó, giá Nhà nước hỗ trợ đối với các hộ bị BDTLCP phải tiêu hủy lại cao hơn giá thị trường. Đó là lý do dẫn tới không ít hộ chăn nuôi thờ ơ với công tác phòng chống dịch; cá biệt, có hộ còn muốn dịch với đàn lợn nhà mình để được Nhà nước hỗ trợ cao hơn giá thị trường...
Từ thực tế đó, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, các địa phương cần tiếp tục vào cuộc tích cực để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn nữa cho phòng chống dịch. Trong đó, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch. Các địa phương chưa có dịch cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi dịch đến mới chống.
Đồng thời, cùng với hỗ trợ người dân đã có lợn bị dịch, cũng cần quan tâm, hỗ trợ các hộ dân, trang trại trong tiêu thụ lợn sạch. Rà soát các văn bản cần thiết để điều chỉnh, bổ sung, để giải quyết sát thực tế, khả thi hơn, bảo đảm chống dịch cũng như tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt.
Thanh Phúc