Đến nay, UBND huyện Trấn Yên đã tổ chức 3 hội nghị triển khai công tác phòng chống BDTLCP. Ngoài ra, tất cả 22 xã, thị trấn cũng đã triển khai hội nghị và tổ chức tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, đến hết tháng 6/2019, tổng đàn lợn toàn huyện là hơn 38.600 con; đến ngày 15/9/2019 tổng đàn lợn giảm còn hơn 28.200 con. Trong những tháng qua, huyện Trấn Yên đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng. Trung tâm Dịch vụ - Hỗ trợ phát triển nông nghiệp tiếp nhận hơn 3.100 lít thuốc sát trùng để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng.
Đến ngày 20/10/2019, toàn huyện có gần 850 lượt hộ có lợn mắc BDTLCP phải tiêu hủy, với 6.656 con, trọng lượng hơn 280.500 kg. Có thể nói, tình hình BDTLCP vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết khắp các địa phương, do bệnh dịch hiện chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát, mức độ lây lan nhanh. Hiện nay, tình trạng lợn bị bệnh phải tiêu hủy vẫn diễn biến ở hầu hết các xã, nhất là ở các xã: Hưng Khánh, Nga Quán, Hồng Ca, Lương Thịnh, Kiên Thành, Cường Thịnh...
Một bộ phận người chăn nuôi còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm việc chủ động các biện pháp phòng chống dịch tại hộ gia đình; công tác kiểm soát giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn còn hạn chế; các cơ sở giết mổ và kinh doanh sản phẩm động vật nhỏ lẻ rất khó khăn trong việc kiểm soát; tình trạng các hộ mổ lợn trong vùng dịch còn diễn ra phổ biến; chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ dân sát nhau, chuồng trại gần nhà ở; do đó, việc kiểm soát lây lan dịch bệnh rất khó khăn.
Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh từ huyện đến cơ sở; ban hành các văn bản chỉ đạo, thông tin về tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt công tác chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho đàn vật nuôi và tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh; khoanh vùng dịch để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp cho từng vùng; tổ chức khử trùng triệt để, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi của hộ có động vật bị mắc bệnh, nơi tiêu hủy động vật và khu vực xung quanh.
Thời gian đang cận tết Nguyên đán và là thời gian nhu cầu về thực phẩm tăng cao, khả năng khan hiếm thực phẩm từ thịt lợn có thể xảy ra. Trước tình hình này, UBND huyện Trấn Yên chỉ đạo các ngành chức năng định hướng cho người chăn nuôi khôi phục lại sản xuất theo hướng chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, trâu, bò và vật nuôi khác trong khi tình hình BDTLCP vẫn diễn biến phức tạp; không tái đàn lợn đối với các xã đang có dịch; tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học; tiếp tục quản lý chặt chẽ đàn lợn hiện có nhằm đảm bảo thực hiện phòng chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý đối với các hộ mua, nhập lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn trong thời điểm đang có dịch; từng bước chuyển chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia cầm, tăng số lứa nuôi, tăng sản lượng, giá trị chăn nuôi để bù đắp sản lượng thịt hơi xuất chuồng thiếu hụt.
Hoàng Anh