Thủ tướng đánh giá, Việt Nam đã đẩy lùi được Covid-19 và phiên họp này tiếp tục bàn tháo gỡ, nới lỏng các hoạt động sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm, ổn định sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng.
Vui mừng vì 12 ngày qua cả nước không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng, hệ số lây nhiễm thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng chỉ có 270 ca nhiễm Covid-19 và không có người tử vong.
Điều đó là nhờ cả hệ thống chính trị quyết liệt, quyết tâm trong chống dịch rất hiệu quả. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế, trên 100 NGO tại Việt Nam ca ngợi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong phòng chống dịch.
Cùng với đó là bàn các giải pháp để ngăn chặn cho được các nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài, trong đó có các biện pháp trong "trạng thái bình thường mới” cần áp dụng (đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên...).
Chưa phải lúc "xả hơi”
Dù đánh giá các công tác phòng chống dịch của nước ta rất hiệu quả thời gian qua, nhưng Thủ tướng cho rằng, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Đây chưa phải là lúc "xả hơi” vì vẫn còn những ca bệnh chưa điều trị khỏi, vẫn có những ca tái nhiễm.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trên phạm vi cả nước đã có nguy cơ thấp, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng việc thực hiện tốt Chỉ thị 19 đối với một số giác độ và khu vực cần tiếp tục được quan tâm, nhất là khi kỳ nghỉ kéo dài thì người đứng đầu phải kiên quyết thực hiện theo đúng các biện pháp đã nêu, đặc biệt là kiểm soát để tránh tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
"Làm sao đảm bảo kỳ nghỉ lành mạnh an toàn cho người dân. Riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải tiếp tục hoạt động 100%, nhất là tiếp tục xét nghiệm, phát hiện sớm, điều trị có hiệu quả; các đối tượng nghi nhiễm đều phải được nhanh chóng kiểm tra” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hoan nghênh các doanh nghiệp, đơn vị tham gia sản xuất các trang thiết bị, sinh phẩm y tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có đề xuất cụ thể về việc tiếp nhận các thiết bị và nghiên cứu tổ chức sản xuất.
Thủ tướng cũng cho biết, tinh thần là dừng thực hiện Nghị quyết 20 của Chính phủ để tạo điều kiện tối đa khẩu trang và một số vật tư y tế, trên cơ sở đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước và dự phòng. Các doanh nghiệp có khả năng thì cần tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nhưng phải đảm bảo chất lượng các sản phẩm khi xuất khẩu, đảm bảo uy tín quốc gia. Bộ Công thương đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng khi cần lại không có nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang như trước đây.
Ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch
Hoan nghênh các chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý nước ngoài vào Việt Nam làm việc, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp, thuận lợi.
"Các địa phương và các ngành cần đặc biệt tập trung lực lượng, giải pháp kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài..., nhưng điều rất quan trọng đối với các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các địa phương, bộ, cơ quan liên quan là nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực và tăng tốc ở các lĩnh vực kinh tế có hệ số an toàn cao trên cơ sở phương án phòng dịch, nhất là dập dịch nhanh nếu xuất hiện. Tinh thần lớn là quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép với vai trò trực tiếp của chính quyền các địa phương. Chủ tịch UBND các địa phương có thể xem xét nới lỏng một số ngành để phát triển sản xuất kinh doanh ở địa phương”.
Yêu cầu các cơ sở giáo dục cần hết sức đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, Thủ tướng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp, khoanh vùng truy vết kịp thời khi phát hiện nguy cơ lây lan. Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế triển khai kế hoạch kiểm soát y tế đối với những người Việt Nam hoặc người vào Việt Nam qua đường mòn lối mở. Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận các công dân ở nước ngoài về nước ở các khu cách ly tập trung, nếu có thì phải đam bảo an toàn và chuẩn bị nếu có tình huống xấu xảy ra.
Bộ Giao thông vận tải căn cứ diễn biến dịch, đặc biệt là nhu cầu đi lại của nhân dân, để hướng dẫn đảm bảo an toàn và quyết định tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa, các hoạt động của tàu hỏa, ô tô một cách phù hợp.
Các địa phương cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đang gặp khó khăn do dịch bệnh như du lịch, dịch vụ, đặc biệt là ngành hàng không.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành ngăn chặn hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch. Nếu phát hiện tiêu cực tham nhũng phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.
(Theo VOV)