Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, xét nghiệm nhanh mới rất dễ sử dụng, cung cấp kết quả đáng tin cậy trong 15-30 phút, thay vì vài giờ hoặc vài ngày, trong khi lại có mức giá thấp hơn.
Trong một phát biểu trên sóng truyền hình, người đứng đầu WHO cũng nhận định, lúc này là thời điểm quan trọng và kêu gọi các nhà lãnh đạo tăng cường phản ứng, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó tại chỗ. Trong đó, điều quan trọng là các chính phủ phải tiếp tục, luôn cảnh giác và sẵn sàng đầu tư vào hệ thống y tế quốc gia, bao gồm cả truy vết lây nhiễm.
Tới 6h ngày 3-10, thế giới ghi nhận 34.760.655 ca mắc Covid-19 (258.999 ca nhiễm mới), trong đó 1.031.735 trường hợp đã tử vong, 25.837.500 trường hợp đã hồi phục. Trước tốc độ lây nhiễm nhanh chóng, đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovich nhận định, một trong những nguyên nhân chính là do người dân đã mệt mỏi với các quy định cách ly. Bà Vujnovich lưu ý rằng, vi rút hiện tác động nhiều hơn đến giới trẻ, vì nhóm này thường bỏ qua các biện pháp phòng ngừa và cách ly. Đại diện WHO kêu gọi người dân hợp tác với các cơ quan chức năng để tránh tình trạng đóng cửa quy mô lớn, điều mà theo bà, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý con người.
Châu Âu
Trong tuần qua, châu Âu là châu lục có tốc độ lây nhiễm vi rút cao nhất thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo, dịch bệnh đang diễn biến một cách đáng lo ngại tại khu vực này, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) duy trì hợp tác cùng giải quyết tình trạng khẩn cấp này. Theo bà Leyen, EU đang đàm phán thêm với một số công ty để đảm bảo nguồn cung vắc xin phòng Covid-19.
Với tỷ lệ 17.340 ca nhiễm trên 100.000 dân, WHO đánh giá khu vực Madrid là điểm nóng nhất về Covid-19 ở châu Âu. Chính quyền thủ đô Madrid cho biết, trong những giờ tới sẽ công bố sắc lệnh đặt thủ đô của Tây Ban Nha và 9 thành phố xung quanh vào diện đóng cửa một phần để ngăn chặn sự gia tăng mạnh số ca mắc mới.
Tại Italia, việc đeo khẩu trang cả ngày khi đi ra khỏi nhà tại thủ đô Rome và khu vực Lazio đã trở thành quy định bắt buộc theo quyết định mới của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng trở lại.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran thông báo, Chính phủ Pháp có thể đặt thủ đô Paris ở mức báo động dịch Covid-19 cao nhất từ ngày 5-10, đồng thời có thể yêu cầu tất cả quán rượu đóng cửa và áp đặt các hạn chế mới. Điều này có nghĩa người dân Paris và vùng ngoài ô phải hạn chế tương tác xã hội. Năm thành phố khác gồm Lille, Lyon, Grenoble, Toulouse và Saint-Etienne có thể cũng bị đặt trong tình trạng báo động tối đa vào tuần tới. Pháp hiện ghi nhận 589.653 ca mắc Covid-19, trong đó có 12.148 ca nhiễm mới.
Châu Mỹ
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh với 7.539.199 ca nhiễm và 213.411 ca tử vong. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và phu nhân đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19. Trong khi đó, Giám đốc Chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Bill Stepien, cho biết, các sự kiện vận động tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ được tổ chức trực tuyến hoặc hoãn lại, sau khi ông chủ Nhà Trắng dương tính với SARS-CoV-2.
Venezuela thông báo lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên do Nga sản xuất (Sputnik V) đã được chuyển tới nước này và sẽ tiến hành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba trên khoảng 2.000 tình nguyện viên tại thủ đô Caracas ngay trong tháng 10.
Châu Á
Ấn Độ vẫn là tâm dịch châu Á với số ca mắc Covid-19 nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ, với tổng số ca nhiễm lên tới 6.471.734 ca (79.774 ca nhiễm mới).
Tại Đông Nam Á, Philippines đã mở cửa trở lại đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Boracay tại miền Trung nước này, trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước đang bị tác động xấu do đại dịch. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất tại Đông Nam Á, với tổng số 316.678 ca nhiễm và 5.616 ca tử vong.
Malaysia thông báo 287 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu truy vết tiếp xúc dịch bệnh. Malaysia có tổng cộng 11.771 ca bệnh, trong đó có 136 ca tử vong. Indonesia cũng thông báo 4.317 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 295.499, trong đó 10.972 người đã tử vong.
(Theo HNMO)