Nhiều nước châu Âu tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới Covid-19

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2020 | 9:22:18 AM

Tính đến 6h ngày 22-10, toàn thế giới có 41.424.568 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.135.019 trường hợp tử vong và 30.837.766 bệnh nhân đã hồi phục.

Nhân viên y tế tại Hy Lạp kiểm tra mẫu xét nghiệm Covid-19.
Nhân viên y tế tại Hy Lạp kiểm tra mẫu xét nghiệm Covid-19.

Châu Âu

Ngày 21-10, giới chức y tế Pháp đã thông báo thêm 26.676 trường hợp mắc Covid-19, đánh dấu lần thứ sáu trong vòng gần 2 tuần có số ca mắc mới trên ngưỡng 25.000 người. Hiện, nước này có 957.421 trường hợp dương tính và 34.048 người tử vong do Covid-19. Trước sự bùng phát trở lại của đại dịch, Chính phủ Pháp nhiều khả năng sẽ thông báo về việc mở rộng lệnh giới nghiêm đang áp dụng với Paris và 8 thành phố lớn sang các địa phương khác. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, chính phủ nước này cũng đang đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp đến tháng 2 năm sau - dài hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt mức 1 triệu người vào ngày 21-10, gấp đôi chỉ sau 6 tuần, bất chấp hàng loạt biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai. Nước này thường xuyên ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới mỗi ngày từ cuối tháng 8 và mức cao nhất hiện nay là hơn 16.000 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong một ngày hồi tuần trước.

Hiện, Cộng hòa Séc là nước có tốc độ gia tăng số ca mắc mới Covid-19 nhanh nhất châu Âu. Ngày 21-10, sau nhiều giờ thảo luận và đánh giá tình hình dịch Covid-19, Cộng hòa Séc đã thông báo áp đặt tình trạng bán phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 22-10. Hầu hết các cửa hàng dịch vụ sẽ đóng cửa và hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế nhằm giảm sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Người dân không được phép tụ tập quá 2 người, ngoại trừ các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp. Các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Trong khi đó, Bộ Y tế Cộng hòa Séc lo ngại, nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn thì với tỷ lệ lây nhiễm hiện nay, nước này sẽ không đủ giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid-19. 80% số giường bệnh đã kín và số ca nhiễm vẫn tăng lên chóng mặt, trong đó tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở nhóm người cao tuổi.

Ngày 21-10, Bộ Y tế Đức cho biết, Bộ trưởng Jens Spahn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và đang tự cách ly tại nhà. Trước đó, ông đã tham gia một cuộc họp nội các, song một phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết, các bộ trưởng khác không nhất thiết bị đưa vào diện cần cách ly.

Ngày 21-10, Hy Lạp ghi nhận thêm 865 trường hợp mắc Covid-19, tăng gần 200 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là mức cao nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ Hy Lạp đã thông báo phong tỏa thị trấn thứ hai ở khu vực phía Bắc là Kastoria.

Cũng trong ngày 21-10, hai quốc gia Croatia và Bulgaria đều ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất từ trước đến nay, với lần lượt 1.424 và 1.336 trường hợp dương tính trong vòng 24 giờ.

Ngày 21-10, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga chưa có kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, dù số ca tử vong do Covid-19 tại nước này có xu hướng tăng. Ông D.Peskov nhấn mạnh, Nga đã được trang bị tốt hơn trong công tác ứng phó với dịch bệnh và cho rằng, điều quan trọng là các biện pháp phòng dịch được giới chức địa phương áp đặt.

Châu Mỹ

Mỹ đã có hơn 8,5 triệu ca mắc Covid-19 và gần 230.000 trường hợp tử vong, đứng đầu thế giới về số người nhiễm và tử vong do đại dịch này.

Ngày 21-10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhận định vẫn còn cơ hội cho một thỏa thuận cứu trợ Covid-19 mới, mặc dù thỏa thuận này có thể sẽ không được thông qua trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11. Bà N.Pelosi cho biết sẽ tiếp tục có các cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về một gói cứu trợ có thể lên tới 2,2 nghìn tỷ USD.

Chủ tịch chi nhánh Dallas của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Robert Kaplan dự báo, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm khoảng 2,5% trong năm nay và được kỳ vọng tăng trưởng trở lại ở mức 3,5% vào năm tới. Ông cũng cho rằng, đeo khẩu trang là một giải pháp thay thế tốt hơn so với việc phong tỏa trên diện rộng.

Châu Á

Ngày 21-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ suy giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực tới toàn thế giới. Mức suy giảm này lớn hơn so với dự báo hồi tháng 7 của IMF là 1,6%.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Ireland là quốc gia đầu tiên của EU tái áp dụng lệnh phong tỏa.

Ngày 21-10, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu buộc nhiều nước phải đẩy nhanh triển khai các biện pháp phòng ngừa. Ireland đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa.

Vaccine COVID-19 lần đầu tiên được trưng bày tại quầy của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) tại hội chợ quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 9.

Loại vaccine có tên Coronavac do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển đã được chứng minh là an toàn.

Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Dublin, Ireland ngày 18/9/2020.

Ireland yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy.

Đáng chú ý, sắc lệnh quy định các thị trưởng có quyền ban hành lệnh đóng cửa quảng trường và đường phố ở các khu vực trung tâm đô thị sau 21 giờ nhằm tránh các hoạt động tụ tập đông người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục