Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với trên 9,19 triệu trường hợp mắc bệnh và gần 234.000 người thiệt mạng. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 71.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Mỹ, dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu với số ca mắc mới liên tục tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế tại nhiều bang. Một số bang đã ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng kỷ lục gồm Arkansas, Indiana, Iowa, Kentucky, Minnesota, Nebraska, New Mexico, Ohio, South Dakota, West Virginia, Wisconsin và Wyoming. Thống kê cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã tăng 25% trong tuần trước, lên gần 500.000 người, trong khi tỷ lệ xét nghiệm tăng 6%.
Tổng số ca mắc tại Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, đã vượt ngưỡng 8 triệu với gần 8,09 triệu trường hợp. Ngày 29/10, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 49.200 ca mắc mới và trên 121.100 người tử vong vì bệnh dịch này.
Brazil đã báo cáo trên 24.600 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh tại quốc gia này lên hơn 5,49 triệu trường hợp. Đến nay, đã có gần 159.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi ở Brazil.
Tại châu Âu, số ca tử vong và mắc bệnh liên tục tăng mạnh trong những ngày qua, khiến nhiều chính phủ tại "Lục địa già" buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp cách ly chống dịch, trong khi nhiều nước cân nhắc các quyết định tương tự. Sau khi Pháp tuyên bố tái phong tỏa toàn quốc và Đức nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ Anh cũng đang chịu nhiều áp lực phải áp đặt các biện pháp tương tự do số ca mắc COVID-19 tại vùng England đã tăng gấp đôi chỉ trong 9 ngày qua.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, đã có thêm 5 vùng, trong đó có thủ đô Madrid, thông báo phong tỏa nội bộ trước dịp ngày Lễ các thánh diễn ra vào ngày 1/11 hàng năm để ngăn chặn tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19.
Ngày 29/10, Nga, Ba Lan và Thụy Điển đều ghi nhận số ca nhiễm cao nhất theo ngày. Tình hình dịch bệnh tại Bỉ cũng đang nguy cấp khi số bệnh nhân nặng phải nhập viện đã gần đạt đỉnh của vài tháng trước (5.554 ca), trong đó số bệnh nhân nguy kịch đã lên tới 911 ca. Các bệnh viện đang đứng trước nguy cơ bị thiếu giường bệnh cho các bệnh nhân nặng phải hồi sức cấp cứu.
Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), Bỉ hiện là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-Cov-2 cao nhất châu Âu với 1.390,9 ca trên 100.000 dân trong 14 ngày qua. Với dân số trên 11,5 triệu người, Vương quốc Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới. Từ đầu đại dịch tới nay, Bỉ đã có tổng cộng trên 368.300 ca mắc COVID-19, trong đó có 11.170 bệnh nhân tử vong.
Trong khi nhiều nước châu Âu đang phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, Phần Lan lại quyết định dỡ bỏ hạn chế giờ mở cửa cho các nhà hàng. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm đang giảm dần tại quốc gia này.
Tại châu Á, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã bắt đầu tăng nhẹ kể từ đầu tháng 10. Ngày 29/10, Nhật Bản ghi nhận thêm 736 ca nhiễm mới trên cả nước. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Tokyo ở mức trên 100 trường hợp.
Một số nước Đông Nam Á đang dần nới lỏng biện pháp hạn chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh khôi phục hoạt động. Bắt đầu từ ngày 6/11, Singapore sẽ cho phép tất cả khách Trung Quốc đại lục và bang Victoria của Australia nhập cảnh mà không cần phải cách ly. Indonesia đã công bố hệ thống đăng ký thị thực trực tuyến cho khách du lịch nước ngoài trong mùa dịch nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp. Trong khi đó, Thái Lan đã đón đoàn khách du lịch nước ngoài đầu tiên sau thời gian hạn chế đi lại hồi giữa tháng này.
Truyền thông Saudi Arabia đưa tin, nước này đã quyết định nối lại lễ hành hương Umrah tại Mecca cho các tín đồ Hồi giáo của nước khác từ ngày 1/11 tới.
Ngày 29/10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cảnh báo, khu vực này cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tại châu Âu và một số nước châu Á tăng lên. Ông Nkengasong nhấn mạnh, đây chính là thời điểm phải sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ hai. Trước đó, châu Phi đã kiểm soát dịch rất tốt khi số ca nhiễm đạt đỉnh vào tháng 7 và giảm dần. Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu chững lại.
(Theo VTV)