Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 12/11, đã có 36.664.739 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 14.467.498 ca bệnh đang điều trị, có 14.372.759 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 94.739 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã hoành hành tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 142.185 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (48.285 ca) và Brazil (47.724 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.478 ca, sau đó là Italy (623 ca) và Mexico (617 ca).
Với 14.707.176 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 12/11, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 260.083 ca đã tử vong do COVID-19 và 13.130.186 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Iran và Iraq với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 8.684.039; 715,068 và 508.508 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 128.165; 39.664 và 11.482 ca.
Bộ Y tế Malaysia cảnh báo hệ thống y tế nước này có nguy cơ sụp đổ nếu số ca mắc mới hằng ngày tiếp tục tăng ở mức 3 – 4 con số.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đang tăng rất nhanh, khiến châu Âu trở thành khu vực có nhiều ca nhiễm hai thế giới, hiện ở mức 12.914.903 ca, trong đó có 306.504 ca tử vong và 4.746.228 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 268.988 ca nhiễm và 4.781 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Tây Ban Nha là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 1.865.538; 1.836.960 và 1.463.093 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 50.365 ca, sau khi có thêm 595 ca trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế Italy, ngày 11/11, đã công bố số ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua là 32.961, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.028.424 trường hợp. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giới y bác sĩ Italy cho rằng tình hình hiện đang rất nguy cấp. "Các bệnh viện đang gần như sụp đổ do thiếu nhân viên, thiếu giường bệnh trước tình trạng số lượng bệnh nhân tăng bất thường và tình hình lây nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh chóng” – các y bác sĩ Italy cảnh báo.
Bắc Mỹ trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 155.762 ca nhiễm COVID-19 và 2.205 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 12.677.486 và 369.553 ca. Với 10.708.007 ca nhiễm và 247.397 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 978.531 và 277.061 ca nhiễm, cùng 95.842 và 10.685 ca tử vong vì COVID-19.
Tại Mỹ, thêm một nhân viên Nhà Trắng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo đài CNN và tờ New York Times, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị của Nhà Trắng, ông Brian Jack, đã được chẩn đoán mắc COVID-19 vào cuối tuần qua, sau khi ông tham dự một sự kiện trong Ngày Bầu cử 3/11 tại Nhà Trắng.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 72.569 ca nhiễm và 1.233 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 10.148.692 ca và 305.390 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 47.724 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 5.749.007 vào thời điểm hiện tại. Cùng với đó, với 564 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina và Colombia với lần lượt 248 và 164 ca tử vong mới.
Ngày 11/11, Chính phủ Argentina thông báo Tổng thống nước này Alberto Fernandez đã buộc phải thực hiện quy trình cách ly bắt buộc sau khi Quốc vụ khách phụ trách các vấn đề chiến lược của Văn phòng Tổng thống - ông Gustavo Beliz bị nhiễm SARS-CoV-2 từ một người thân trong gia đình.
Tính đến sáng 12/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.930.482 ca, trong đó có 46.357 ca tử vong và 1.629.090 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 742.394 ca nhiễm và 20.011 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.140 ca nhiễm mới và 60 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Ai Cập, với tổng số lần lượt 270.626 và 109.881 ca nhiễm bệnh cùng 4.506 và 6.405 ca tử vong.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã quyết định gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia đến ngày 15/12 tới nhằm tiếp tục duy trì các quy định và biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ông Ramaphosa cũng thông báo quyết định kéo dài hoạt động của Quỹ COVID-19 quốc gia cho đến hết tháng 1/2021, qua đó tiếp tục duy trì việc cung cấp thực phẩm miễn phí cho khoảng 6 triệu người thất nghiệp tại nước này.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 41.672 ca nhiễm (tăng 355 ca) và 993 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 8 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 27.686 ca, trong đó 907 ca tử vong.
(Theo dangcongsan.vn)