Dựa trên dữ liệu tạm thời về thử nghiệm lâm sàng đối với 95 ca nhiễm trong số 30.000 người tham gia (tất cả được dùng giả dược hoặc vaccine), chỉ có 5 trường hợp nhiễm virus xảy ra trong số những người được tiêm chủng 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của Plizer nên dễ dàng phân phối hơn.
Moderna hy vọng vaccine có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C.
Ngoài khoảng 20 triệu liều dự kiến có thể sản xuất trong năm nay, năm 2021, Chính phủ Mỹ có thể tiếp cận được với hơn 1 tỷ liều từ các nhà sản xuất dược phẩm trên, nhiều hơn cả nhu cầu của 330 triệu người dân xứ Cờ hoa.
Hầu hết tác dụng phụ của vaccine Moderna là từ nhẹ đến trung bình. Song nhiều tình nguyện viên cũng gặp triệu chứng dữ dội hơn sau khi tiêm mũi thứ 2. 10% bị mệt mỏi nghiêm trọng, không thể sinh hoạt bình thường; 9% khác bị đau cơ. Đại diện Moderna cho biết tình trạng này không kéo dài. Peter Openshaw, Giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, giải thích: "Đây là các phản ứng dễ đoán đối với một loại vaccine hiệu quả và tạo ra miễn dịch tốt".
Vaccine của Moderna là một phần trong Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) của Chính phủ Mỹ. Chương trình dự kiến sản xuất 20 triệu liều tiêm cho người dân nước này trong năm nay.
Chỉ trong vòng một tuần, Moderna trở thành tập đoàn dược phẩm thứ 2 của Mỹ báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo. Cùng với vaccine phòng COVID-19 của công ty Pfizer (Mỹ) và BionTech (Đức) phối hợp phát triển cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý, Mỹ có thể có 2 loại vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa COVID-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng.
Pfizer và BionTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên diện rộng thành công. Sau đó, tới lượt Nga công bố vaccine Sputnik của họ đạt hiệu quả tới 92% sau lần thử nghiệm lâm sàng thứ 3.
EC thỏa thuận để mua vaccine của Moderna
Ngày 16/11, một quan chức Liên minh châu Âu (EU), người tham gia đàm phán, cho biết Ủy ban châu Âu muốn đạt thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna Inc về việc cung cấp hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 với mức giá dưới 25 USD mỗi liều.
Theo một tài liệu nội bộ, EU đã đàm phán với Moderna về việc mua vaccine COVID-19 thử nghiệm từ tháng 7/2020.
Quan chức cấp cao tham gia cuộc đàm phán cho biết một thỏa thuận có thể đạt được trong những ngày tới và nói thêm rằng các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào vấn đề từ ngữ pháp lý của hợp đồng, còn không gặp phải trở ngại lớn nào về các vấn đề như giá cả hay trách nhiệm pháp lý.
Mỹ đã đồng ý trả cho Moderna 15 USD mỗi liều để bảo đảm quyền mua 100 triệu liều vaccine trong một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD vào tháng 8/2020. Trước đó, Washington đã tài trợ tới 1 tỷ USD cho nghiên cứu vaccine của Moderna.
Washington cũng có quyền chọn mua thêm 400 triệu liều với giá chưa được tiết lộ. Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna dự kiến sẽ được tiêm theo liệu trình 2 mũi.
WHO: Chỉ riêng vaccine là chưa đủ để chặn đứng COVID-19
Cũng trong ngày 16/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông Tedros nêu rõ: "Vaccine sẽ bổ sung cho những công cụ còn lại mà chúng ta có chứ không thay thế được những công cụ đó. Chỉ riêng vaccine sẽ không chấm dứt được đại dịch”.
Ông Tedros cho biết nguồn cung vaccine phòng COVID-19 ban đầu sẽ hạn chế bởi các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao khác sẽ được ưu tiên tiêm phòng.
Vaccine dự kiến sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giúp hệ thống y tế có khả năng đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, ông Tedros cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ hoành hành, do đó người dân và các chính phủ vẫn cần cảnh giác.
Kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người và khiến hơn 54 triệu người mắc bệnh.
Số liệu thống kê của WHO công bố ngày 14/11 cho thấy thế giới đã ghi nhận thêm 660.905 ca mắc, số ca mắc trong ngày này cao chưa từng thấy, vượt cả con số 645.410 ca được ghi nhận ngày 13/11 và 614.013 ca ngày 7/11.
(Theo chinhphu.vn)