Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (72.705 ca), Ấn Độ (51.248 ca) và Colombia (32.997 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới cũng là Brazil (1.901 ca), Ấn Độ (965 ca) và Colombia (689 ca).
Đa phần các ca mắc mới ở nhiều quốc gia là do biến thể Delta gây ra. Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học (RIKEN) ở thành phố Kobe đã công bố kết quả đánh giá xác suất nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều lần so với virus SARS-CoV-2 thông thường.
Kết quả phân tích được siêu máy tính "Tomitake” thực hiện cho thấy xác suất nhiễm biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh) cao gấp 1,25 lần và xác suất nhiễm biến thể Delta (B.1.617.2 lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) cao gấp 2,5 lần so với virus SARS-CoV-2 thông thường.
Ở cùng một khoảng cách 2m, thời gian để tỷ lệ lây nhiễm lên mức 10% đối với chủng virus thông thường là 45 phút, trong khi với biến thể Alpha mất 35 phút và biến thể Delta chỉ là 20 phút.
Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến cáo, do khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều lần của biến thể Delta, biện pháp phòng dịch quan trọng không chỉ là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách mà nên cố gắng rút ngắn thời gian tiếp xúc ở mức tối thiểu.
Châu Á
Hàng nghìn người tại Ấn Độ trở thành nạn nhân của một số trung tâm tiêm chủng giả
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Guwahati, Ấn Độ, ngày 21/6/2021.
Cảnh sát nước này cho biết khoảng hơn 2.000 người đã trở thành nạn nhân của một số trung tâm tiêm chủng COVID-19 giả ở thành phố Mumbai, bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ.
Chính quyền bang Maharashtra cho biết cơ quan cảnh sát và tòa án tại Mumbai đang tiến hành điều tra và lấy lời khai của khoảng 400 nhân chứng tại địa phương này.
Theo các nguồn tin tại Ấn Độ, Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee tuyên bố chiến dịch tiêm chủng tại địa phương này sẽ ưu tiên cho phụ nữ có con từ 12 tuổi trở xuống, phòng trường hợp có thể có làn sóng nhiễm COVID-19 thứ ba. Bà Banerjee cũng nói rằng bang Tây Bengal triển khai chiến dịch tiêm chủng với số lượng khoảng ít nhất 400.000 người/ngày từ ngày 24/6.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, ngày 23/6, chính quyền bang Madhya Pradesh ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên của một bệnh nhân COVID-19 được xác định nhiễm biến thể Delta plus ở quận Ujjain. Năm trường hợp khác đã được xác nhận nhiễm biến thể Delta plus tại địa phương này, trong đó có 3 trường hợp ở quận Bhopal và 2 trường hợp khác ở quận Ujjain.
Cùng ngày 24/6, Chính phủ Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 51.248 ca mắc COVID-19 và 965 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Giới chuyên gia Nhật Bản lo ngại nguy cơ bùng phát dịch trở lại ở Tokyo
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/6/2021.
Một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) lên tiếng cảnh báo về tình trạng số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng trở lại ở thủ đô Tokyo và một số tỉnh lân cận.
Cảnh báo trên được đưa ra khi số ca nhiễm mới ở vùng thủ đô có xu hướng tăng trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo vào ngày 20/6.
Trong báo cáo trình lên Ban cố vấn MHLW ngày 23/6, nhóm chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 90% so với virus gốc, nhấn mạnh biến thể này đang tiếp tục lân lay và có thể chiếm tới gần 70% tổng số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vào thời điểm khai mạc Olympic Tokyo ngày 23/7 tới. Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cũng dự tính biến thể Delta sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng số ca nhiễm mới ở vùng thủ đô Tokyo vào đầu tháng 7.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần phải giảm lưu lượng người đi lại trên đường và giảm tiếp xúc giữa mọi người.
Số ca nhiễm mới ở Indonesia lên mức cao chưa từng thấy
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia.
Indonesia thông báo đã có thêm 20.574 ca mới, mức cao nhất từ trước đến nay và 355 ca tử vong.
Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 2.053.995 ca nhiễm, trong đó có 55.949 ca không qua khỏi.
Số ca tử vong tại Philippines vượt mốc 24.000 ca
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/5/2021.
Trong ngày 24/6, Philippines ghi nhận thêm 6.043 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.378.260 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này cũng vượt mốc 24.000 lên 24.036 ca, sau khi ghi nhận thêm 108 ca tử vong.
Philippines đã tiêm được 8,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già và những người có bệnh lý nền.
Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu tháng 6
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 21/6/2021.
Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan, nước này đã có thêm 4.108 ca mắc COVID-19 ghi nhận ngày 24/6. Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu tháng này. Theo đó, tổng số ca mắc tại Thái Lan hiện là 232.647 ca.
Thủ đô Bangkok vẫn là khu vực có số ca mắc mới cao nhất cả nước với thêm 1.359 ca trong 24 giờ qua. Cơ quan y tế tại đây đang phải xử lý 99 ổ dịch.
Theo CCSA, hơn 85% số ca mắc được ghi nhận kể từ đầu tháng 4 vừa qua khi làn sóng thứ ba của dịch COVID-19 bùng phát tại Thái Lan. Số ca mắc mới trong ngày duy trì trên 3.000 ca trong 8 ngày liên tiếp.
Với thêm 31 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi tại Thái Lan tăng lên thành 1.775 ca.
Châu Âu
Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ tháng 1
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 17/6/2021.
Ngày 24/6, Nga thông báo ghi nhận thêm 20.182 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 24/1 vừa qua. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 568 ca tử vong, trong đó Moskva và St Petersburg có số ca tử vong cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Số ca nhiễm mới tại Nga bắt đầu tăng nhanh trở lại từ giữa tháng này. Theo nhà chức trách, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được cho là có tỷ lệ lây lan nhanh hơn và tỷ lệ người dân tiêm chủng còn thấp. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết biến thể Delta chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới ở thành phố này.
Trước thực trạng trên, chính quyền thủ đô Moskva đã yêu cầu các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ những khách có mã QR cho thấy đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã từng mắc bệnh (có miễn dịch) hoặc xét nghiệm gần đây cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Những người chưa được tiêm ngừa sẽ không được khám, chữa bệnh thông thường, trừ trường hợp cấp cứu. Tuần trước, chính quyền thủ đô Moskva cũng yêu cầu các cơ quan, công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công phải đảm bảo việc 60% lao động được tiêm vaccine, nếu không sẽ bị phạt.
Tính đến nay, chỉ 20,7 triệu người trong tổng số 146 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19. Với 131.463 ca tử vong trong tổng số hơn 5,38 triệu ca mắc, hiện Nga là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực châu Âu.
Tây Ban Nha ghi nhận lượt tiêm chủng kỷ lục theo ngày
Nhân viên y tế tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho người dân tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 12/5/2021.
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo nước này ghi nhận lượt tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức kỷ lục với 680.540 lượt tiêm trong vòng 24 giờ qua, qua đó củng cố mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm đầy đủ vào cuối tháng 8.
Theo thống kê của bộ trên, các cơ quan y tế Tây Ban Nha đã phân bổ gần 37,6 triệu liều vcaccine phòng COVID-19. Bộ cũng nêu rõ 50% trong tổng số 47 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 và gần 32%, tương đương 15 triệu người, đã hoàn thành việc tiêm chủng.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới COVID-19 tại Tây Ban Nha đang có chiều hướng giảm, tạo điều kiện cho nước này nới lỏng một số biện pháp phòng dịch, dự kiến bắt đầu từ ngày 26/6 tới. Theo Bộ trưởng Y tế Carolina Darias, với các sự kiện ngoài trời có đông người tham dự, những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải đeo khẩu trang nếu duy trì khoảng cách an toàn là 1,5 m. Từ mùa Hè năm ngoái, việc đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc đối với người từ 6 tuổi trở lên khi tham gia hoạt động trong nhà và ngoài trời, ngoại trừ các hoạt động thể dục thể thao.
Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 80.766 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 3.777.539 ca mắc.
Châu Mỹ
Brazil ghi nhận số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Manaus, Brazil ngày 14/1/2021.
Trong vòng 24 giờ qua, dù đã giảm mạnh so với ngày trước đó, nhưng số ca mắc và tử vong mới ở Brazil vẫn cao nhất thế giới: 72.705 ca mắc và 1.901 ca tử vong.
Trước đó, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục với 115.228 ca mắc mới và 2.343 ca tử vong trong ngày 23/6.
Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế Brazil, con số trên cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của dịch bệnh bất chấp nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Báo cáo cũng cho biết Brazil hiện là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới tính theo ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil đứng thứ hai thế giới về tổng số ca tử vong sau Mỹ, với 509.141 ca.
Nhiều nước Mỹ Latinh trải qua đợt bùng phát mạnh trong tháng 6
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà tang lễ ở Bogota, Colombia, ngày 15/6/2021.
Ngoài Brazil, nhiều nước láng giềng Nam Mỹ đang bị cuốn vào đợt bùng phát mạnh nhất trong tháng này.
Argentina cũng đang là điểm nóng tại khu vực với 24.463 ca mắc mới và 452 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 4.350.564 người và số trường hợp không qua khỏi là 91.438 người.
Colombia cũng ghi nhận tới 32.997 ca mắc mới và 689 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 4.060.013 và 102.636.
Cuba thông báo thêm 1.880 ca mắc mới. Tính đến nay, đảo quốc này đã ghi nhận tổng cộng 174.789 bệnh nhân COVID-19. Giới chức thủ đô La Habana đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng tại thành phố này, với kế hoạch tiêm cho toàn bộ 2,2 triệu người dân vào cuối tháng 7.
Mỹ: Bang New York thông báo kết thúc tình trạng thảm họa
Người dân di chuyển trên phố ở New York, Mỹ ngày 7/6/2021.
Tại New York (Mỹ), Thống đốc bang Andrew Cuomo thông báo kết thúc tình trạng thảm họa cấp bang vào ngày 24/6 nhờ những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo đó, một số luật, quy định và biện pháp đã được điều chỉnh hoặc ngừng thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, xét nghiệm, xử lý, làm sạch và kiểm dịch khẩn cấp.
New York đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Từng là một trong những tâm dịch của Mỹ, đến nay tỷ lệ lây nhiễm tại thành phố này đã giảm xuống mức thấp nhất trong cả nước. Người đứng đầu chính quyền bang khẳng định tất cả là nhờ nỗ lực, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân New York .
Tính đến ngày 23/6, bang New York có tỷ lệ xét nghiệm dương tính là 0,34% và chỉ có 474 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, 104 ca phải chăm sóc đặc biệt. Theo báo cáo mới nhất, bang New York ghi nhận tổng cộng 42.942 ca tử vong do COVID-19 và hiện đã có 71,2% người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh.
Mặc dù vậy, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, một số yêu cầu sẽ vẫn có hiệu lực, bao gồm việc đeo khẩu trang đối với những người chưa được tiêm chủng cũng như tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng, nhân viên tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão, trung tâm cải tạo và nơi ở cho người vô gia cư.
Chile hoàn thành mục tiêu tiêm chủng
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Santiago, Chile, ngày 3/6/2021.
Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris thông báo sau 5 tháng triển khai tiêm chủng đại trà, 80,26% đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, tương đương 12.199.649 người, đã được tiêm ít nhất một mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Ông nhấn mạnh với số liệu này, nước này đã hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Triển khai từ đầu tháng 2, tới nay đã có 21.724.741 liều vaccine được tiêm tại nước này.
WHO cảnh báo đại dịch lây lan với tốc độ chưa từng có ở châu Phi
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tembisa, Nam Phi.
Ngày 24/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đang tăng với tốc độ chưa từng có trong bối cảnh "châu lục đen" đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 3 và điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế công cộng nơi đây.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Matshidiso Moeti, nhận định nguyên nhân châu lục này đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 là do các quốc gia đã nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, thời tiết lạnh và sự xuất hiện của các biến thể mới.
Bà Moeti cho biết WHO đã triển khai việc đưa các chuyên gia y tế đến một số quốc gia đang trải qua đợt gia tăng ca nhiễm chưa từng có, trong đó có Uganda và Zambia, để tăng cường các biện pháp giảm thiểu, bao gồm chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) - cơ quan phụ trách vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe của Liên minh châu Phi (AU), thông báo 51 quốc gia ở lục địa này mua được khoảng 61,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 48,6 triệu liều đã được tiêm cho người dân.
Theo CDC châu Phi, khoảng 1,12% dân số châu Phi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Các quốc gia đã mua và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nhiều nhất là Maroc, Ai Cập, Nigeria, Algeria và Nam Phi.
Tính đến sáng 25/6, số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở châu Phi đã lên tới 5,3 triệu người, trong đó có 139.939 ca tử vong. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất châu lục.
(Theo Tin tức)