Thấp thỏm nguy cơ thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2022 | 9:45:29 AM

Theo thống kê, tới năm 2023, có tới 14.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành, nguy cơ thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất đang hiện hữu rất lớn.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị, hóa chất... trong ngành y tế đang khá nghiêm trọng.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị, hóa chất... trong ngành y tế đang khá nghiêm trọng.

Tháng 8/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký quyết định lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Việc kiểm tra nhằm khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu hụt này tới chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người dân, nhân viên y tế.

Đồng thời xác định khó khăn, vướng mắc mang tính chất khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho cơ quan quản lý trung ương, địa phương để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Cụ thể, 28/34 địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các thuốc thiếu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Ngoài thuốc, tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất (chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm) và trang thiết bị y tế cũng xảy ra tương tự. Dự báo, đến năm 2023, nguy cơ thiếu thuốc hiện rõ khi khoảng 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung.

Việc thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế… có nguyên nhân là do hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện. Việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó là sự khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Luật Dược năm 2016. Cụ thể, theo quy định tại Điều 56 Luật Dược, để được gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hồ sơ phải được thẩm định và trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

Việc thẩm định, xem xét quá nhiều hồ sơ gia hạn thường xuyên dẫn tới tình trạng chậm gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, làm gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa được gia hạn vì doanh nghiệp phải chờ hoàn thiện các hồ sơ tài liệu này.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, Bộ Y tế đề xuất một số nội dung trong dự thảo nghị quyết về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Với quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá công khai và không được mua cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán", Bộ Y tế đề xuất ghi rõ thời điểm mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này cũng tương tự với việc mua sắm, đấu thầu thuốc.

Trong dự thảo, Bộ cũng đề nghị làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào, quy định về rà soát, công bố giá thuốc kê khai…

Ngoài ra, dự thảo còn có nội dung liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

(Theo kinhtedothi)

Các tin khác
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người (ảnh minh hoạ).

Tối 20-10, theo tin từ Bộ Y tế, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vừa phát hiện một bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5). Đây là ca cúm A(H5) mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2-2014.

Hơn 631,78 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Đến sáng 21/10, thế giới có trên 631,78 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,577 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Người dân phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái tiếp tục tiêm phòng Covid-19.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 14 tỷ đồng cho 31.474 người lao động và sử dụng lao động theo các quyết định của Chính phủ, hỗ trợ trên 99 tỷ đồng cho 63.650 người lao động và sử dụng lao động theo nghị quyết và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trẻ em điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Jakarta, Indonesia.

Bộ Y tế Indonesia mới đây đã phát hiện một số hợp chất trong các loại thuốc kê đơn cho bệnh nhân bị thận cấp tính không điển hình ở nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục