Quốc hội sáng 24/10 thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nêu thực tế thời gian gần đây, hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc rời bỏ các bệnh viện (BV) công, kể cả những BV lớn.
BV Bạch Mai và BV K, nơi có đầy đủ các điều kiện và thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách. Trong khi rất nhiều các cơ sở y tế bấy lâu nay mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế tự chủ đang thực hiện khá thành công ở các trường đại học.
ĐB Cường nhìn nhận: "Nhiều người đã có chung một nhận định, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các BV công, việc các BV lớn, có danh tiếng nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các BV công lập".
Ông phân tích sâu, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn BV có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư y tế đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí và danh mục các loại thuốc và thiết bị vật tư thay thế. Trong điều kiện làm việc đó, nếu họ được hưởng mức thù lao tương xứng với công sức bỏ ra và hiệu quả đóng góp của mình, thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý dành hết năng lực "mà không cần phải chân trong chân ngoài, tất bật với phòng khám tư".
Về phía bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng trả phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các BV công, nhưng không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi điều trị ở nước ngoài hoặc sang khám và điều trị tại các BV tư, BV quốc tế chỉ vì có trang thiết bị hiện đại và tiện nghi.
ĐB Cường nhìn nhận nguyên nhân căn bản của những vấn đề trên là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các BV công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình.
Khi nghiên cứu dự thảo ĐB nhận thấy, những cơ chế để các BV công thực hiện quyền tự chủ "vẫn đang là một khoảng trống".
Ông đề nghị nghiên cứu, bổ sung đưa vào Luật quy định về tự chủ của BV công, bởi đây là một xu thế tất yếu. Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các BV được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của BV kể cả nguồn thu từ ngân sách.
Cần quy định rõ những điều kiện để BV được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền năng đi liền với mức độ tự chủ mà cơ sở khám chữa bệnh đạt được.
ĐBQH cũng cho rằng, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ. Trên nguyên tắc "giá dịch vụ khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh".
Định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh của cùng một BV phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ. Giá dịch vụ khám chữa bệnh dành cho các đối tượng lựa chọn chỉ khác nhau ở các điều kiện dịch vụ đi kèm cũng như khác nhau về nguồn gốc xuất xứ của thuốc hoặc vật tư trang thiết bị được lựa chọn.
Cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với BV tự chủ về: tự quyết định sử dụng nguồn thu; định mức chi, mức trả tiền lương; đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển.
ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục đánh giá cao dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này cơ bản tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ thứ 3. Tuy nhiên, ông góp ý đề nghị quy định rõ hơn nhằm thực hiện mục tiêu đề ra là xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; nền y học dân tộc phát triển.
Theo ông dự thảo luật nhiều điểm còn chưa cụ thể, như vấn đề tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hóa, giá dịch vụ, rồi phân cấp chuyên môn, cấp giấy phép hành nghề, khám chữa bệnh từ xa..., dù có những nội dung mới hoàn toàn.
Dẫn chứng về phân cấp chuyên môn, trước đây chia theo tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã, nhưng lần này theo chuyên môn kỹ thuật với 3 cấp là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Ủng hộ quy định mới này vì phù hợp chủ trương của Đảng, thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, song ông Hạ băn khoăn mối quan hệ của các cấp BV như thế nào, giữa công và tư cũng như chính sách của Nhà nước với từng cấp ra sao.
Trong một cơ sở khám chữa bệnh liệu có cả 3 cấp này không, hay từng cấp riêng biệt. ”Nhà tôi gần BV ở tuyến chuyên sâu nhưng khám thông thường phải ra cuối tỉnh - nơi có cơ sở tuyến cơ bản để khám rồi mới chuyển dần lên hay như thế nào”, ông Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.
Ngoài ra mô hình hội đồng y khoa, ông cho rằng quy định chưa rõ, dễ phát sinh bộ máy và còn thiếu các yêu cầu về năng lực, con người, điều kiện để thực hiện chức năng được giao. Đề cập nội dung khuyến khích xã hội hoá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục đề nghị làm rõ chính sách ưu tiên thế nào, nhà đầu tư được những gì chứ không phải chỉ nói không vì lợi nhuận, lợi nhuận chỉ phục vụ công ích là xong.
(Theo Vietnamnet)