Trưa 14/11, trong căn nhà trọ chưa đầy 40 m2 ở Yên Xá (huyện Thanh Trì), ông Nghiêm, 65 tuổi, chậm rãi gấp chăn, dọn giường và phụ giúp vợ một chút việc nhà. Ông mới hồi phục sau ca ghép thận lần thứ hai vào ngày 30/8, hiện có thể đi lại một quãng ngắn, làm vài việc đơn giản.
Ông Nghiêm là một trong 10 người đầu tiên được ghép thận tại Việt Nam, những năm 1992-1993, cũng là bệnh nhân được ghép thận đầu tiên do kíp bác sĩ Việt Nam hoàn toàn thực hiện mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Quả thận ghép sống được 29 năm, bất ngờ với chính người bệnh và bác sĩ điều trị.
Người đàn ông kể lại, thời điểm đó - đất nước mới mở cửa nên còn rất nghèo, khó khăn mọi mặt, thiếu thốn máy lọc máu dành cho bệnh nhân thận. Khi ấy, ông đột ngột bị suy thận giai đoạn cuối với các triệu chứng lưng nhói đau, tim đập nhanh, phù toàn cơ thể. Ông uống nước màu gì thì nước tiểu có màu đó, sau đó hoàn toàn không tiểu được, gọi là tình trạng vô niệu. Ông không thể nằm ngủ vì bị tràn dịch màng tim, màng phổi, chủ yếu ngồi, thường xuyên mệt mỏi, nặng nề. Bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán bệnh không còn khả năng cứu chữa.
"Lúc đó, con gái đầu lòng mới ba tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, còn kỹ thuật mổ ghép thận mới quá, chưa ai biết đến. Nhưng chồng tôi không ghép thận cũng sẽ chết, nếu ghép mà may mắn thì còn sống, vì vậy chúng tôi quyết định liều", vợ ông Nghiêm cho biết.
Gia đình ông sống ở Phú Yên, ban đầu mong muốn ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Lúc đó, bệnh viện này đã thực hiện thí điểm hai ca ghép thận, sau đó dừng triển khai. Vì vậy, ông Nghiêm được chuyển ra Hà Nội, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô rồi sang Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y).
Ông Nghiêm rất yếu trong khi đường từ TP HCM ra Hà Nội hơn 1.000 km. Dù đi bằng tàu hỏa, bác sĩ lo ông không thể vượt qua. Họ chuẩn bị một vài túi khí oxy (hỗ trợ thở) và dụng cụ lọc máu để dự phòng. Người đàn ông thầm nhủ phải cố gắng chịu đựng, không để xảy ra biến chứng trên đường. May mắn khi nhập viện xong, ông mới bị tràn dịch màng phổi.
"Hồi đó, tôi chủ yếu sống dựa vào máy lọc máu. Máy này thời đó hiếm lắm, chỉ có Việt Xô, Bạch Mai có, Bệnh viện Quân y 103 cũng có song chỉ dùng để cấp cứu. Chữa trị rất vất vả, phải đi lại giữa các viện để dùng máy lọc trong khi hồng cầu trong cơ thể giảm sâu, di chuyển khó khăn", ông Nghiêm nói.
Tháng 5/1993, ông được nhận vào chương trình nghiên cứu ghép tạng. Chi phí ăn uống, phẫu thuật, điều trị đều do Nhà nước tài trợ; người bệnh mua thuốc chống thải ghép sau mổ. Quả thận ghép được chị ruột của ông hiến tặng. Khi ghép xong, ông cảm nhận rõ cơ thể nhẹ nhõm, không còn nặng nề, đau đớn như trước.
Sau ca ghép, ông Nghiêm tuân thủ chặt lời dặn của bác sĩ về thời gian, chế độ sinh hoạt đúng giờ, không ăn quá no, theo dõi các biểu hiện của cơ thể. Thực tế, ông có thể sống, làm việc như một người bình thường, sự nghiệp thăng tiến từ cán bộ cấp phòng, rồi trải qua các cương vị: Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, Bí thư Huyện ủy Đông Hòa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên...
Đến tháng 6 năm nay, ông bị suy thận, chưa phải lọc máu, chỉ định ghép thận lần thứ hai. Ca phẫu thuật này khó khăn hơn so với những bệnh nhân khác.
PGS.TS. Đại tá Lê Việt Thắng, Chủ nhiệm Bộ môn Thận và Lọc máu, Bệnh viện Quân y 103, cho biết ông Nghiêm đã dùng rất nhiều thuốc chống thải ghép, thuốc chống đông máu, từng đặt stent mạch vành, thuốc kiểm soát huyết áp. Trước khi ghép, ông bị chảy máu tiêu hóa. Vì vậy, bệnh nhân cần được chăm sóc kỹ, điều trị ổn định các bệnh nền trước, sau đó mới ghép thận.
Quá trình mổ ghép thận lần này khiến bác sĩ nhiều lần toát mồ hôi. PGS.TS Lê Anh Tuấn, phẫu thuật viên tiết niệu - ghép thận, cho biết tĩnh mạch và động mạch của người bệnh bị dính với nhau, phẫu tích vô cùng khó khăn. Nếu không tách được mạch máu, họ không thể khâu nối, ghép quả thận mới. Một thách thức khác là bệnh nhân đã cao tuổi, thể trạng yếu.
"Khi đó tôi căng thẳng thót tim, mồ hôi tuôn ròng ròng dù trong phòng mổ chỉ 16 độ C, tập trung cao độ để phẫu tích mạch máu tốt nhất. Nếu người bình thường, chúng tôi chỉ mổ 2 tiếng rưỡi, 3 tiếng, bệnh nhân Nghiêm có thời gian dài hơn một chút, tổng thời gian phẫu thuật khoảng 3 tiếng rưỡi", PGS Tuấn nói.
Từ ca bệnh này, PGS Tuấn nhìn lại hành trình 30 năm ghép tạng, nhận thấy kỹ thuật ghép thận đã có nhiều thay đổi. Phương tiện dụng cụ được cải tiến, đầy đủ hơn. Y bác sĩ đã có kinh nghiệm phẫu thuật, áp dụng trên nhiều người bệnh. Kỹ thuật ghép tạng khó được triển khai an toàn, nhanh, ít xảy ra biến chứng. Từ đó, PGS Tuấn có lý do để kỳ vọng quả thận mới của ông Nghiêm sẽ ổn định, kéo dài sự sống thêm vài chục năm.
Còn PGS Thắng cho biết việc giữ được thận ghép gần 30 năm cho người bệnh giúp Việt Nam bắt kịp thế giới trong ghép tạng; điều trị và chăm sóc sau ghép đã ở tầm khu vực. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi trên thế giới có quả thận ghép sống dài đến vài chục năm.
"Chúng ta đã nhận được thành quả, đó là trái rất ngọt. Tôi kỳ vọng tương lai cũng có thể làm được những ca khó hơn, có thể ghép lần 3, 4 trên những người có nhiều yếu tố nguy cơ hơn, giúp họ sống", PGS Thắng nói.
Ông Nghiêm đã được ra viện, tái khám và lĩnh thuốc một tháng một lần, chỉ số sức khỏe tốt gần như người bình thường. Ông tăng 3 kg so với trước khi mổ, không còn chảy máu tiêu hóa, stent hoạt động bình thường. Vợ chồng ông vẫn thuê trọ gần viện để tiện thăm khám, dự tính cuối tháng sẽ trở về Phú Yên sau khi đảm bảo không còn nguy cơ bệnh tật. Họ cũng sắp xếp một chuyến du lịch ngắn ở Hà Nội để tận hưởng không khí mùa thu se lạnh.
Theo tổng kết của y văn thế giới, thời gian bình quân sống của người sau ghép tạng là 13-15 năm. Với ông Nghiêm, "sống được vậy đến nay là ngon lắm rồi", vì rất ít người sống sót được với bệnh suy thận. Nay ông đã cao tuổi, không đủ sức khỏe để cống hiến thêm, chỉ mong quây quần bên gia đình.
"Có người nói tôi liều, mang bản thân ra thí nghiệm y khoa. Nhưng ta đã chứng minh rằng nền y học nước nhà rất tiến bộ, có thành tựu. Vì vậy tôi phải ráng sống, thể hiện lòng biết ơn tới các thầy thuốc đã điều trị, chăm sóc thời gian dài như thế", ông Nghiêm tâm sự.
(Theo VnExpress)