Nguy cơ viêm phổi trở nặng ở người cao tuổi trong thời tiết giao mùa

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2022 | 4:16:39 PM

Trong thời tiết giao mùa, không chỉ có trẻ nhỏ mà người cao tuổi cũng dễ gặp các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là người có bệnh mạn tính có nguy cơ gây biến chứng.

Khoa Hồi sức tích cực điều trị tích cực đã từng điều trị cho bệnh nhân với khởi bệnh ban đầu chỉ cảm sốt thông thường song diễn biến cấp tính dẫn đến viêm phổi nặng biến chứng ARDS, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.
Khoa Hồi sức tích cực điều trị tích cực đã từng điều trị cho bệnh nhân với khởi bệnh ban đầu chỉ cảm sốt thông thường song diễn biến cấp tính dẫn đến viêm phổi nặng biến chứng ARDS, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.

Mới đây, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu Cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Đinh Thị X. (79 tuổi) trú tại phường Hà Lầm, TP. Hạ Long. Bệnh nhân ở nhà mệt mỏi nhiều, ho có đờm đục kèm sốt gần 1 tuần, sưng đau khớp gối 2 bên, uống thuốc không thuyên giảm nên được người thân đưa vào viện cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh viêm đáy phổi phải.

Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân từng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư giáp, đái tháo đường type 2 kèm gout cấp, từng dị ứng kháng sinh.

Các bác sĩ chẩn đoán bà X. bị viêm phổi nặng do nhiễm khuẩn, đợt cấp của gout mạn, đái tháo đường type 2, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Đánh giá đây là bệnh nhân cao tuổi, già yếu, nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo, lại có tiền sử dị ứng, vì vậy bác sĩ Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu đã hội chẩn với dược lâm sàng để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu, lựa chọn và phối hợp các thuốc nhằm kiểm soát tốt tình trạng viêm phổi cũng như đợt cấp của bệnh lý mạn tính đi kèm.

Sau 1 tuần, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, tình trạng lâm sàng cải thiện tốt, không còn ho sốt, ăn uống được, các khớp hết đau.

Theo các bác sĩ, người cao tuổi có sức đề kháng và các chức năng trong cơ thể đều suy giảm khiến mầm bệnh dễ dàng tấn công. Đặc biệt khi giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và xâm nhập vào hệ hô hấp trên, như: khoang mũi, hầu họng, thanh quản… dễ bị kích ứng gây viêm, nhiễm trùng.

Người già mắc các bệnh mạn tính khi hệ hô hấp bị tổn thương rất dễ bùng phát các đợt cấp do bội nhiễm vi khuẩn, các tác nhân xâm nhập, tấn công vào đường hô hấp dưới làm phổi bị tổn thương nặng gây suy hô hấp cấp tính, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Vũ Thị Huyền, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu cho biết: Không chỉ bệnh nhân X. mà gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi với chẩn đoán viêm phổi. Số ca viêm phổi ghi nhận có xu hướng cao hơn so với thời điểm này hàng năm, nguyên nhân có thể do thời tiết giao mùa kéo dài, thay đổi thất thường.

Đa số các trường hợp này ban đầu chỉ là triệu chứng cúm thông thường, như: sốt, đau nhức người, ho, nghẹt mũi…, tuy nhiên sau đó tiến triển nặng rất nhanh, khi nhập viện đã khó thở, đau tức ngực, người mê man. Thậm chí đã có trường hợp viêm phổi nặng biến chứng ARDS, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng phải nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.

Viêm phổi ở người lớn tuổi ít khởi phát đột ngột mà thường âm ỉ, đôi khi không có biểu hiện rõ ràng, triệu chứng không điển hình. Đa số các trường hợp chỉ sốt, kèm theo chảy mũi, ho thúng thắng, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh trong mùa mưa rét. Người già, người có sức đề kháng kém thường có biểu hiện thở gấp, có tiếng khò khè và có thể khó thở, đôi khi cũng chỉ biểu hiện bằng thay đổi tri giác, chán ăn, nguy cơ tiến triển xấu nhanh.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện khó thở, tím tái, lơ mơ thậm chí là suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh khi có dấu hiệu bệnh bất thường không nên chủ quan mà phải đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện kịp thời.

Để phòng ngừa các bệnh hô hấp bùng phát cao điểm vào mùa thu - đông, khi thời tiết chuyển lạnh, người cao tuổi, đặc biệt là người mắc một số bệnh mạn tính hoặc các yếu tố nguy cơ khác, như: nghiện rượu, suy thận, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, đái tháo đường, hoặc các bệnh mạn tính liên quan đến gan, phổi, tim... cần củng cố hệ miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục và giữ ấm cơ thể.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần được tiêm vaccine để bảo vệ "lá phổi", phòng ngừa nguy cơ viêm phổi trở nặng, giảm tỷ lệ mắc và nguy cơ biến chứng, giảm thời gian nằm viện và chi phí y tế.

"Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu nhất mà người lớn thường bỏ quên. Các loại vaccine phòng viêm phổi, như: phế cầu, cúm mùa, COVID-19… cần được người cao tuổi tiêm chủng đầy đủ và nhắc lại hàng năm đối với loại vaccine cúm mùa và COVID-19 để kịp thời tăng cường miễn dịch, bảo vệ sức khỏe toàn diện, tránh được những mối đe dọa bệnh tật do viêm phổi gây nên" - bác sĩ Huyền cho biết thêm.
(Theo VTV)

Các tin khác
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại nhà.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Kế hoạch số 92 về xây dựng xã, phường đạt Tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục