Ngày 24-12-2022, bảng tổng quan về COVID-19 trên trang web Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chính thức đề cập một biến thể mới: XBB.1.5.
XBB.1.5 là một loại virus tái tổ hợp và là biến thể con của XBB vốn tiến hóa từ biến thể "Omicron tàng hình” BA.2. Các chuyên gia nhận định XBB.1.5 dường như phát sinh từ Mỹ, theo đài CNN. XBB.1.5 được phát hiện lần đầu tiên ở New York và Connecticut vào cuối tháng 10-2022, theo GISAID (một trung tâm lưu trữ dữ liệu bộ gene và theo dõi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19).
Đây là một lời nhắc nhở về những gì chúng ta đã nói trong nhiều tháng nay, rằng phải chấm dứt ý tưởng chỉ cần hai mũi vaccine là đủ. Cần tiêm nhắc lại và cần tiêm nhắc lại sau mỗi 4-6 tháng vì khả năng bảo vệ, ngay cả ngăn chặn nguy cơ nhập viện đã bắt đầu giảm xuống.
TS PETER HOTEZ, Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới quốc gia tại ĐH Y Baylor (Mỹ) |
Lan rất nhanh, ca nhiễm tăng 10 lần trong một tháng
XBB.1.5 đang lan rất nhanh ở Mỹ. CDC ước tính rằng XBB.1.5 đã tăng hơn gấp đôi "thị phần” trong "chiếc bánh” COVID-19 ở Mỹ mỗi tuần trong bốn tuần qua, từ chiếm khoảng 4% tổng ca nhiễm tháng 11 lên chiếm tới 40,5% tổng ca nhiễm tháng 12, thậm chí ở các bang đông bắc chiếm tới 75%.
Theo ông Pavitra Roychoudhury, Giám đốc giải trình tự COVID-19 tại phòng thí nghiệm virus học của ĐH Y khoa Washington (Mỹ), "trong vài tháng nay, chúng tôi chưa thấy một biến thể nào phát triển nhanh với tốc độ như vậy”. Ngày 4-1, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng Ashish Jha thừa nhận đây là đà lây lan "đáng kinh ngạc”.
Theo TS Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về phản ứng với COVID-19 tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), XBB.1.5 là "biến thể phụ dễ lây lan nhất được phát hiện”. Theo bà, lý do là vì các đột biến nằm trong biến thể tái tổ hợp này cho phép virus bám vào tế bào và nhân lên dễ dàng. Bà Van Kerkhove đặc biệt lo ngại về đà lây lan ở đông bắc Mỹ cũng như nguy cơ ở châu Âu.
XBB.1.5 có khả năng gây ra đợt bùng phát mới ở Mỹ. GS sinh học Trevor Bedford tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đánh giá XBB.1.5 có tốc độ phát triển tương tự BA.5 - một biến thể phụ của Omicron, một người nhiễm có thể lây cho 1,6 người khác.
Số lượng bệnh nhân nhập viện vì cúm trong thời gian này ở Mỹ tăng nhanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự lây lan nhanh của biến thể XBB.1.5 có thể còn do yếu tố thời điểm thích hợp. Mỹ vừa trải qua thời gian nghỉ lễ, mọi người tăng đi du lịch và giao lưu hơn, điều kiện tốt để các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh hơn.
Lo ngại khả năng né tránh kháng thể
Về độc lực, hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. TS David Ho - GS vi sinh học và miễn dịch học tại ĐH Columbia (Mỹ) đã thực hiện một số thử nghiệm với các virus được thiết kế để có các gai XBB, XBB.1, BQ.1 và BQ 1.1. Mục đích nhằm kiểm tra khả năng của các biến thể này trong việc chống lại kháng thể từ máu của những người từng nhiễm COVID-19, người đã được tiêm vaccine, cả người vừa từng nhiễm bệnh vừa được tiêm vaccine. TS Ho cũng đã thử nghiệm 23 phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng chống lại các dòng phụ mới này.
Theo kết quả được công bố trên tạp chí Cell, XBB.1 trốn tránh miễn dịch tốt nhất trong số này. Cụ thể, khả năng trung hòa XBB.1 của kháng thể có được từ việc bị nhiễm và được tiêm vaccine thấp hơn 50-60 lần so với khả năng trung hòa các biến thể phụ trước của Omicron (BA.2, BA.4, BA.5). TS Ho đánh giá mức độ né tránh miễn dịch này là "đáng báo động” và lo ngại chúng có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Theo lời TS Ho ngày 2-1 thì XBB.1.5 cũng giống XBB.1 về mặt trốn tránh kháng thể, có nghĩa nó có khả năng đâm thủng vòng bảo vệ của vaccine hay của việc từng bị nhiễm. Nguy cơ này càng cao nếu thời điểm được tiêm vaccine hay từng bị nhiễm càng qua lâu.
TS Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm của ĐH Minnesota (Mỹ) lưu ý cần thiết phải tiêm nhắc lại để cung cấp thêm cho cơ thể khả năng bảo vệ, thậm chí chống lại chủng virus có khả năng miễn dịch cao này.
Tuy nhiên, thực tế một phần đông người Mỹ lần lữa trong việc đi tiêm nhắc lại, theo CNN. Dữ liệu của CDC cho thấy trong số những người đủ điều kiện tiêm vaccine thì tới lúc này chỉ 15% đi tiêm nhắc lại. Trong số những người từ 65 tuổi trở lên thì tỉ lệ này cũng chỉ mới 36%. Mũi vaccine nhắc lại hiệu quả lên đến 84% ngăn bệnh trở nặng phải nhập viện cho người cao tuổi, theo nghiên cứu của CDC. Theo TS Osterholm, với những người được tiêm vaccine, nguy cơ tử vong thấp hơn ba lần so với những người không tiêm.
"Những gì chính quyền nên làm là đẩy mạnh tiêm chủng cho những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những người lớn tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh đi kèm” - TS Paul Offit, Giám đốc Trung tâm giáo dục vaccine tại BV Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), khuyến cáo.
Về điều trị, theo TS Ho, XBB.1.5 chống được các phương pháp điều trị bằng kháng thể hiện tại. May mắn, các chuyên gia lưu ý rằng mặc dù các phương pháp điều trị bằng kháng thể có thể không có tác dụng đối với biến thể XBB.1.5 nhưng các loại thuốc kháng virus, chẳng hạn như Paxlovid và Remdesivir, vẫn có hiệu quả.
Khuyến cáo chung các chuyên gia đưa ra cho cả chính quyền và người dân là virus liên tục tiến hóa, luôn phải chú ý bảo vệ. Trước tiên, cần khẩn trương tiêm nhắc lại, đặc biệt cho người lớn tuổi. Một việc cần thiết nữa là dự trữ thuốc kháng virus. Xét nghiệm nhanh cũng có hiệu quả trong ngừa lây lan và chữa trị kịp thời. Tiếp tục đeo khẩu trang, bảo đảm thông gió và lọc không khí cũng là các biện pháp cần thiết.
Mỹ đang tính điều chỉnh thành phần và lịch tiêm vaccine
Vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech nhắm vào chủng virus ban đầu và các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron.
Theo CNN, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ có kế hoạch tổ chức một cuộc họp với các cố vấn về vaccine vào ngày 26-1 để xem xét liệu có nên sửa đổi thành phần vaccine ngừa COVID-19 hay không, cách thức điều chỉnh thành phần và lịch tiêm nhắc lại trong tương lai. Đại diện của CDC và của Viện Y tế quốc gia cũng sẽ tham gia thảo luận.
(Theo PLO)