Cẩn trọng để tránh ngộ độc thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/6/2023 | 7:40:08 AM

YênBái - Các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua liên tục thông tin về các trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc botulinum tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kon Tum, tỉnh Bình Dương. Thông tin hữu ích này đã giúp cho người tiêu dùng có thêm hiểu biết, kiến thức và cẩn trọng hơn khi lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

Người tiêu dùng cần quan tâm đến những yếu tố cảm quan, thông tin cần thiết khi lựa chọn các loại đồ hộp.
Người tiêu dùng cần quan tâm đến những yếu tố cảm quan, thông tin cần thiết khi lựa chọn các loại đồ hộp.

Bà Đỗ Thị Xuân ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái sống chung với vợ chồng con trai và 2 cháu nội. Nắm bắt thông tin về các trường hợp bị ngộ độc botulinum, bà Xuân trở nên thận trọng hơn. 

Bà Xuân cho biết: "Tôi ngày nào cũng xem chương trình thời sự trên ti vi. Hai cháu nội rất thích ăn đồ chế biến sẵn nên thông tin về các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum khiến tôi thật sự quan tâm. Vì vậy, tôi càng chú ý hơn đến việc mua bán, chế biến, bảo quản thực phẩm, nhất là trong mùa hè nắng nóng thế này”. 

Vừa cho các cháu được ăn món ưa thích vừa đảm bảo an toàn, bà Xuân tìm mua ở các địa chỉ quen và có uy tín. Dù vậy, mỗi lần mua hàng, bà đều kiểm tra cẩn thận để biết chắc là hàng mới chế biến. 

Theo cơ quan chuyên môn, ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí - môi trường thiếu không khí. 

Các sản phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum là các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. 

Chị Nguyễn Thị Hải Yến ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên chia sẻ: "Nghe thông tin về các trường hợp ngộ độc botulinum, tôi tự nhắc mình, chồng, con và chia sẻ với người thân, bạn bè những điều này. Nhà tôi hay sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp cho bữa sáng. Từ nay, tôi sẽ cẩn thận hơn nữa khi mua và ăn các sản phẩm này theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngành chức năng, cơ quan chuyên môn”.

Theo khuyến cáo, người tiêu dùng phải chú ý tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. 

Đặc biệt, có một điều cơ bản nhất mà tất cả mọi người cần thực hiện hết sức nghiêm túc là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi và chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. 

Mọi người cần ưu tiên ăn những thực phẩm mới nấu chín, mới chế biến cũng như không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Đối với các loại thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống như dưa muối, măng, cà muối... thì cần đảm bảo phải chua, mặn và khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. 

Mùa hè, món ăn "đưa cơm” và "dễ vào” được nhiều gia đình yêu thích là cà muối ăn với canh rau đay, mùng tơi... nên những người nội trợ cần phải biết, cần phải thực sự quan tâm đến cách lựa chọn, chế biến, bảo quản, lưu trữ để đảm bảo bữa ăn an toàn cho sức khỏe của các thành viên.

Trong tình hình hiện nay, người tiêu dùng mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn. 

Mặt khác, để giúp người dân được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng thời điểm cụ thể, cần thiết và cùng với các hình thức như nói chuyện, phát tờ rơi, tờ gấp… thì các ngành chức năng có thể thực hiện tuyên truyền thông qua nền tảng mạng xã hội, nhóm zalo, facebook... Mỗi người tiêu dùng cần nêu cao ý thức, quan tâm nắm bắt thông tin để trở thành người tiêu dùng chủ động, có kiến thức, hiểu biết để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bản thân, gia đình. 

Nguyễn Thơm

Tags ngộ độc thực phẩm VSATTP mùa hè botulinum

Các tin khác
Hệ thống chụp mạch máu xóa nền giúp các bác sĩ thực hiện can thiệp chuẩn xác

BSCKI Nguyễn Đức Hưng (Phó khoa Tim mạch) cho biết, bệnh nhân 68 tuổi đã được thay van động mạch chủ qua da thành công. Phương pháp thay van tim này có ưu thế lớn về thời gian hồi phục.

Người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Hồng Duyên

Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã duy trì phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn huyện, nâng tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 90%...

Theo Bộ Y tế Thái Lan, kể từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 19 nghìn ca mắc và 17 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Ngày 12-6, Bộ Y tế có Công văn khẩn số 3565/BYT-KCB về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục