Bệnh nhân nữ (69 tuổi, ở Phú Xuyên, TP Hà Nội), vào viện từ 3/6. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt, kèm mệt mỏi nhiều, không ho, không khó thở, tự điều trị tại nhà không đỡ. Khi xuất hiện khó thở tăng dần, bệnh nhân đến phòng khám tư, chụp cắt lớp ngực có hình ảnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng tỉnh, thở oxy 5l/ph. Vùng nách trái phát hiện có vết loét hoại tử khô, kích thước 1x2cm. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốt mò.
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện chậm, tình trạng hô hấp tiếp tục xấu đi, toan hóa máu nặng, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi có tràn dịch màng phổi do Rickettsia, suy thận cấp, suy tim, rung nhĩ. Tình trạng bệnh nhân rất nặng phải duy trì các thuốc vận mạch (thuốc nâng huyết áp), các thuốc kháng sinh và điều trị lọc máu liên tục.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có chiều hướng cải thiện rõ, các cơ quan dần hồi phục, bệnh nhân đã có thể rút ống thở để tự thở.
Theo Thạc sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca sốt mò (nhiễm vi khuẩn Rickettsia lây truyền từ mò), thường là ở giai đoạn nặng, suy đa tạng, điều trị hồi sức rất khó khăn và tốn kém.
Để người dân hiểu thêm về căn bệnh sốt mò, Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm diễn giải, sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ, gặm nhấm lui tới.
Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: phát rẫy làm nương, bộ đội đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc cây…
Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý; sau thời gian ủ bệnh từ 8-12 ngày, bệnh khởi phát với những triệu chứng sau: sốt cao liên tục, đau nhức đầu, đau mỏi cơ.
Trên da có thể có nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò): thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).
Nốt loét thường không đau, không ngứa, hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2 cm. Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ. Sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét.
Sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui. Từ khi hết sốt nốt loét liền dần, nốt loét gặp ở 65-80% các trường hợp.
Bác sĩ Khiêm nhấn mạnh, một số bệnh nhân có thể có nổi hạch gần vết loét, phát ban trên da. Trong trường hợp bệnh được chẩn đoán điều trị sớm (5 ngày đầu), kết quả điều trị sẽ rất thuận lợi. Nếu điều trị muộn, hoặc điều trị không phù hợp, có thể có biến chứng nặng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não-màng não.
(Theo NDO)