Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn và cho biết sẽ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ đang lan rộng ở Trung Phi.
|
Y tá trong phòng thí nghiệm đang lấy mẫu từ một trẻ bị nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ tại trung tâm điều trị ở Munigi, tỉnh Bắc Kivu (Cộng hòa Dân chủ Congo) ngày 19-7.
|
Ngày 7-8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập một cuộc họp khẩn với các chuyên gia y tế quốc tế, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về việc virus đậu mùa khỉ đã lan rộng ra bên ngoài Cộng hòa Dân chủ Congo, theo tờ UN News.
Ông Tedros cho biết ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp "càng sớm càng tốt” để quyết định rằng "liệu đợt bùng phát này có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm hay không”.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm (PHEIC) là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra và cho phép ông Tedros kích hoạt các phản ứng khẩn cấp theo Quy định Y tế Quốc tế.
Theo tờ UN News, ông Tedros cho biết Cộng hòa Dân chủ Congo đã trải qua đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng kể từ đầu năm. Hơn 14.000 trường hợp mắc bệnh và 511 trường hợp tử vong đã được báo cáo, số ca trong sáu tháng đầu năm nay bằng với tổng số ca của cả năm 2023.
"Trong tháng qua, khoảng 50 trường hợp được xác nhận và thêm nhiều trường hợp bị nghi ngờ cũng đã được báo cáo ở 4 quốc gia lân cận Cộng hòa Dân chủ Congo chưa có báo cáo phát hiện bệnh trước đó, gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda” - ông Tedros cho biết thêm.
Ông Tedros giải thích rằng sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ lần này là do biến chủng mới của virus Clades gây bệnh có tên là Clades 1b, xuất phát từ biến chủng Clades 1, có khả năng gây ra bệnh nặng hơn biến chủng Clades 2, theo tờ UN News. Trước đó, biến chủng Clades 1 đã tồn tại ở Trung Phi trong nhiều năm, trong khi chủng Clades 2 là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát toàn cầu bắt đầu vào năm 2022.
Hiện tại có hai loại vaccine đậu mùa khỉ đã được các cơ quan quản lý quốc gia thuộc WHO phê duyệt và nhóm chuyên gia về tiêm chủng SAGE của WHO cũng đã khuyến nghị, theo tờ UN News.
Bệnh đậu mùa khỉ (mpox) là một bệnh do virus đặc hữu xuất hiện tại Trung và Tây Phi. Nó có thể lây truyền qua tiếp xúc vật lý với người, động vật hoặc vật dụng bị nhiễm virus. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết, sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần.
(Theo PLO)
Sau tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, nam thanh niên đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức ghép khí quản kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp. Đây là ca bệnh hiếm gặp và lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ghép khí quản từ người cho chết não thành công.
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Yên Bái về quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Sản - Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ban hành năm 2024, vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức bàn giao nhiệm vụ quản lý chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) bà mẹ, trẻ em tại cộng đồng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật quản lý.
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở y tế trực thuộc tiếp tục thực hiện liên thông dữ liệu điện tử có ký số đối với giấy chứng sinh và giấy báo tử trong thời gian không quá 4 giờ làm việc sau khi cấp bản giấy, và gửi lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế ̣BHYTĐ.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4/8 cho biết đang cân nhắc thành lập một ủy ban chuyên gia để đưa ra đánh giá về khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ đang hoành hành tại châu Phi.