Ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian tới
Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết (tại 30/30 quận, huyện, thị xã), không có ca tử vong, tổng số 18 ổ dịch được ghi nhận. Cập nhật đến ngày 8/8 ghi nhận 1.759 bệnh nhân (tại 30/30 quận, huyện, thị xã); không ca tử vong, số ca mắc được ghi nhận giảm so với cùng kỳ 2023; tổng số 72 ổ dịch, hiện còn 23 ổ dịch đang hoạt động.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9/8 đến ngày 16/8) toàn thành phố ghi nhận 274 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 86 trường hợp so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng.
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân: Phương Đình, Đồng Tháp, Thượng Mỗ, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội (Hà Đông); Liên Hiệp ( Phúc Thọ). Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần ghi nhận 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ứng Hòa; tương đương so với tuần trước đó. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 87 ổ dịch, còn 28 ổ dịch đang hoạt động. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.
Cảnh giác các dấu hiệu nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Virus Dengue có 4 tuýp là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Người dân cần được phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.
"Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Người bệnh có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau; tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Đẩy mạnh các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết
Theo CDC Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cách đây 10-20 năm, bệnh sốt xuất huyết chỉ xuất hiện và gia tăng vào mùa mưa và cuối mùa mưa khoảng từ tháng 6, 7 đến tháng 9, 10. Hiện nay, do sự biến đổi của khí hậu thời tiết, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, kéo theo các đô thị lớn mọc lên, dân số đông đúc nên bệnh sốt xuất huyết dường như diễn ra quanh năm kể cả những ngày đầu năm, giữa năm và cuối năm. Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, số lượng ca mắc sốt xuất huyết tăng, số ca nhập viện tăng không chỉ nội thành mà cả ở ngoại thành. Dịch phát triển rất mạnh.
Do đó, để chủ động phòng chống dịch hiệu quả cần triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp: thứ nhất công tác chỉ đạo điều hành, thứ 2 là công tác về chuyên môn kỹ thuật, thứ 3 hoạt động tuyên truyền vận động người dân”.
"Với công tác chỉ đạo điều hành, trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh cũng như đánh giá và dự báo nguy cơ, ngành y tế Hà Nội cũng đã tham mưu kịp thời cho UBND TP sớm ban hàng các kế hoạch, và trên cơ sở đó UBND TP cũng phân công nhiệm vụ cho các sở ban ngành, nòng cốt là sở y tế. Tuy nhiên các sở ngành khác cũng cần phải tham gia vào cuộc. Để thành công hay chủ động phòng chống dịch có hiệu quả thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là điều mẫu chốt và quan trọng số 1, trong việc phòng chống thành công tất cả các loại dịch bệnh không riêng gì sốt xuất huyết”, ông Tuấn cho biết.
Về chuyên môn kỹ thuật, ngành y tế Hà Nội cũng đã triển khai rất nhiều những hoạt động, trước hết là các hội nghị chuyên môn, tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ chuyên môn các tuyến từ thành phố đến quận huyện, phường, đáp ứng với từng loại dịch bệnh cụ thể. Với dịch sốt xuất huyết, hiện nay thành phố, đặc biệt là ngành y tế cũng đã triển khai các chiến dịch, thông qua đó diệt trừ các cổ bọ gậy – nguồn gốc sinh ra sốt xuất huyết, tạo cho người dân có thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, làm sạch những nơi ẩm thấp để bọ gậy không có điều kiện sinh sôi.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vec-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Người dân cần cần chú ý thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải… Việc chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng tinh dầu xua muỗi…
(Theo VOV)