Nhịn ăn, uống 10 lít nước kiềm pha muối/ngày để “thanh lọc cơ thể”, người đàn ông suýt mất mạng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/9/2024 | 2:57:46 PM

Nhịn ăn, uống 10 lít nước kiềm pha muối/ngày để “thanh lọc cơ thể”, người đàn ông suýt mất mạng.

Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chiều 27-9, theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, nam bệnh nhân nói trên có tiền sử viêm phế quản mãn tính, thường xuyên ốm yếu. Anh đã tìm đến một thầy lang và được "mách” uống nước ion kiềm pha muối.

Kết quả sau 18 ngày áp dụng liệu trình (từ ngày 28-8 đến 17-9), người đàn ông này chỉ uống nước kiềm, không ăn và giảm gần 10 kg. Theo gia đình kể lại, thầy lang khuyên uống 10 lít nước ion kiềm pha muối mỗi ngày và không ăn uống gì thêm để "thanh lọc cơ thể”.

Trong quá trình điều trị tại nhà thầy lang, còn khoảng 40 - 50 người khác cùng áp dụng phương pháp này. Mỗi ngày, một bệnh nhân uống nước chia thành các ca lớn với tổng lượng lên đến 10 lít, không ăn bất cứ loại thực phẩm nào.

Tuy nhiên, sau 18 ngày, người nhà đến thăm và phát hiện bệnh nhân S bị suy kiệt nghiêm trọng nên quyết định đưa về nhà chăm sóc. Vào ngày 20-9, bệnh nhân bắt đầu sốt cao 39,8 độ C, kèm ho, đờm nhiều và mệt mỏi. Mặc dù đã được điều trị tại 2 cơ sở y tế nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân không cải thiện.

Ngày 25-9, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, viêm phổi trên nền bệnh viêm phế quản mãn tính.

Tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, bệnh nhân được tiếp nhận trong trạng thái suy kiệt với chỉ số dinh dưỡng rất thấp. Xét nghiệm cho thấy, mức protein trong máu xuống thấp. Bệnh nhân bị teo cơ và mất lớp mỡ dưới da, sức cơ yếu đi đáng kể. Ngoài ra, chỉ số men gan của bệnh nhân đã tăng gần 5 lần so với bình thường.

Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, viêm phổi và suy kiệt trên nền viêm phế quản mãn tính. Hiện tại, bệnh nhân được chỉ định đặt sonde nuôi dưỡng vì khả năng nhai nuốt kém và nguy cơ cao mắc hội chứng hít sặc khi ăn uống.

Thạc sĩ-bác sĩ Hoàng Thị Thơm, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) chia sẻ, bệnh nhân hiện đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng, trong đó có khả năng mắc hội chứng nuôi ăn lại. Đây là tình trạng mà cơ thể có phản ứng bất thường khi nhận lại dinh dưỡng sau một thời gian dài nhịn ăn, dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Võ Đức Linh, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, uống nước ion kiềm chưa có cơ sở khoa học và không giúp thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu uống nước kiềm số lượng lớn, trong một thời gian dài có thể gây thay đổi mức PH bình thường của cơ thể. Từ đó, người sử dụng có thể bị kiềm chuyển hóa có thể dẫn tới các biểu hiện buồn nôn, nôn, co giật cơ, run tay chân…. Khi kết hợp uống nước kiềm với nhịn ăn, cơ thể bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt trầm trọng.

"May mắn khi bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu tiếp tục uống nước ion kiềm mà không ăn thêm trong liệu trình kéo dài 26 ngày như đã được chỉ dẫn, không ai có thể bảo đảm bệnh nhân sẽ sống sót”, bác sĩ Võ Đức Linh nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên nghe theo các phương pháp điều trị thiếu cơ sở khoa học, cần tới cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám khi có các vấn đề bất thường về sức khỏe.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh tư liệu

Tại Khóa họp 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), ngày 26/9, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã thông qua tuyên bố chính trị nhằm giải quyết các mối đe dọa của tình trạng kháng kháng sinh (AMR).

MicroRNA trong máu được đo bằng máy giải trình tự thế hệ tiếp theo.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu Đại học Kyoto và nhà sản xuất thiết bị y tế Arkray Inc. đã phát triển một mô hình nhận dạng khối u thông qua công nghệ máy học tự động.

Cuộc sống tạm bợ vùng ngập lụt tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Mưa ngập, nước đọng, điều kiện vệ sinh không đảm bảo... là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi mạnh, có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình tại phiên họp sáng 25-9

Ngày 25-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVHQ) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục