Để giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 35 bệnh viện đầu tiên của cả nước sớm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn cho hồ sơ bệnh án giấy; sử dụng, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim. Tất cả thông tin liên quan đến bệnh nhân, bao gồm thông tin cá nhân, số lần khám, kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán, đơn thuốc điện tử… đều được số hóa, lưu trữ khoa học theo cấp độ mật và được quản lý theo mã số riêng, đảm bảo chính xác, an toàn. Qua đó góp phần kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế tốt mà không tốn thêm chi phí lao động. Hiện nay, Bệnh viện chỉ có 500 nhân sự làm việc trực tiếp cho quy mô 750 giường bệnh, với điểm chất lượng 4,32/5, cao nhất trong các Bệnh viện cùng khu vực.
Cùng với đó, Bệnh viện sớm sử dụng VssID thay cho xuất trình thẻ BHYT thông thường, tiện lợi cho người bệnh và cũng giúp cho việc quản lý BHYT quốc gia, tích hợp với các phần mềm công dân số một cách khoa học. BSCKI Trần Thị Thúy Nga - Trưởng khoa Khám bệnh cho hay: "Nếu như trước đây đi khám, bệnh nhân cần rất nhiều loại giấy tờ thì khi áp dụng chuyển đổi số, bệnh nhân chỉ cần cầm căn cước công dân để nhân viên y tế quẹt mã thẻ, tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc tham gia BHYT, giúp quy trình khám, chữa bệnh của người dân được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đồng bộ”.
Quan sát tại khoa Dược ở ngay cạnh sảnh tầng 1 khu khám bệnh, thấy việc cấp phát thuốc cho người bệnh rất nhanh chóng. Bệnh nhân đưa đơn thuốc, nhân viên quầy thuốc quét mã của đơn thuốc, sau đó hệ thống nhận diện đơn thuốc, thực hiện thao tác duyệt đơn thuốc trên phần mềm rồi gửi tín hiệu sang quầy thuốc thông minh. Lúc này, các loại thuốc có trong đơn sẽ hiện đèn sáng để nhân viên nhận biết và lấy thuốc theo đúng đơn.
Dược sĩ Nguyễn Thị Hồng Giang cho biết: "Mỗi ngày tại quầy phát thuốc BHYT thường xuyên phát từ 400 - 500 đơn thuốc ngoại trú với hàng trăm loại thuốc khác nhau. Trước đây, người bệnh phải chờ đợi từ 10 đến 15 phút để nhận thuốc. Nhưng từ khi thực hiện cấp phát thuốc thông minh, bệnh nhân không phải chờ đợi lâu, đảm bảo việc cấp phát thuốc chính xác và giảm tối đa việc phát thiếu hoặc nhầm thuốc do tên gọi và nhãn gần giống nhau nhưng khác hàm lượng”.
Quầy thuốc thông minh tại khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp việc cấp phát thuốc cho người bệnh rất nhanh chóng, chính xác
Là Bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận cấp cứu và điều trị khoảng 1.200 - 1500 người bệnh/ngày, việc nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua triển khai số hóa thông tin, số hóa quy trình cùng ứng dụng nhiều giải pháp thông minh đã trở nên phổ biến tại Bệnh viện như: áp dụng hệ thống hồ sơ điện tử, ứng dụng di động, hệ thống quản lý và các công nghệ tiên tiến trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Theo đó, Bệnh viện đã ứng dụng AI trong khám chữa bệnh, hỗ trợ bác sĩ phân tích, gợi ý chẩn đoán như ở Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Can thiệp mạch; hỗ trợ tốt cho tính toán phác đồ và liều thuốc chỉ định của các bác sĩ cho nhiều trường hợp bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính với phác đồ chuyên khoa, như ở Khoa Nội tiết, Ung bướu…
Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã triển khai dự án VR (thực tế ảo) để hỗ trợ các bác sĩ hội chẩn mà vẫn chuyển tải được gần như đầy đủ các triệu chứng thực thể của bệnh nhân tới chuyên gia đầu ngành, kể cả là quốc tế. Đồng thời, công nghệ Điện toán đám mây hoạt động như cổng kỹ thuật số 24/6 tăng cường tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ, cung cấp các dịch vụ như đặt lịch hẹn nhanh, truy cập trực tuyến hồ sơ y tế, gửi yêu cầu và cung cấp hỗ trợ theo thời gian thực; đào tạo trực tuyến. Cùng với đó, Bệnh viện sớm triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương pháp thanh toán trực tuyến bằng nhiều hình thức để góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý và rút ngắn quy trình thanh toán cho người bệnh.
Với những kết quả bước đầu của chuyển đổi số, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đang hướng tới mô hình Bệnh viện thông minh và trở thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ số, thì những khó khăn trước mắt là không nhỏ như: nguồn tài chính chi phí cho CNTT còn hạn chế, khả năng kỹ thuật và sử dụng công cụ số của người dân và đội ngũ y tế không đồng đều, các phần mềm quản lý lại có thể nhanh chóng lạc hậu, các thiết bị đầu cuối có thể sớm không đáp ứng các nền tảng công nghệ số mới… Do đó, Tiến sỹ, bác sĩ Trần Lan Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái mong muốn Nhà nước nghiên cứu và phát triển toàn diện các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khám chữa bệnh để người dùng tiếp cận thuận lợi và dễ dàng, bảo đảm tối đa mức độ bảo mật thông tin y tế cá nhân. Đồng thời, đảm bảo tốt hơn nữa tính vững vàng và chặt chẽ của hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện chuyển đổi số y tế, để hoạt động chuyển đổi số y tế phát huy hiệu quả tốt nhất trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thanh Chi