Bộ Thông tin- Truyền thông chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2022 | 7:42:19 AM

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kinh tế số sẽ giúp người dân đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế số sẽ giúp người dân đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Theo đó, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược) xác định phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thử thách trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Theo Chiến lược, kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông; kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung với cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Chiến lược đặt mục tiêu phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu. Phát triển kinh tế số nền tảng với với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.

Các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Với phát triển xã hội số, Chiến lược nêu rõ, phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam. Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone đạt 80%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%...

Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra các 16 nhóm nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Bộ TT&TT được giao chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược; chủ trì thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nền tảng số quốc gia và kinh tế nền tảng; đồng thời kiểm tra, giám sát, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chiến lược.

(Theo Kinh tế đô thị)

Các tin khác

Văn Yên phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; là huyện đứng đầu trong các địa phương của tỉnh về chuyển đổi số. Đến năm 2030, hoàn thành đồng bộ hạ tầng và các ứng dụng về chuyển đổi số toàn diện trên 3 trụ cột phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền; góp phần nâng cao sự hài lòng của nhân dân.

Công an tỉnh Yên Bái làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân.

Đến nay, Công an tỉnh Yên Bái đã tập hợp thông tin đăng ký của cán bộ các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết thủ tục hành chính để gửi Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tạo tài khoản phục vụ đăng ký dịch vụ xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

100% giáo viên các cấp học đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã được kết nối băng thông rộng; có máy tính, máy in, cũng như được trang bị các thiết bị hiện đại. Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị tiên phong trong khai thác các hệ thống họp trực tuyến với gần 60% các cuộc họp, hội nghị, tập huấn đã thực hiện hình thức này.

Điện lực Yên Bái là mô hình điểm chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Việc triển khai các mô hình chuyển đổi số ở Yên Bái đã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành, cũng như mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục