Yên Bái: Giúp người dân trở thành công dân số

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/9/2022 | 1:59:50 PM

YênBái - Xác định chuyển đổi số (CĐS) lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình CĐS của Yên Bái trong năm 2022 đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Một trong những giải pháp then chốt thực hiện mục tiêu này là tỉnh đã thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng (TCĐSCĐ) tại các xã, phường, thị trấn.

Người dân xã Yên Hợp, huyện Văn Yên được hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh.
Người dân xã Yên Hợp, huyện Văn Yên được hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh.

Huyện Văn Yên là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức ra mắt TCĐSCĐ. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập TCĐSCĐ với 321 thành viên; 100% thôn, tổ dân phố thành lập TCĐSCĐ với 1.322 thành viên.

 Với hình thức đi từng nhà, hướng dẫn từng người, TCĐSCĐ đã trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS của huyện đến các xã, thị trấn giúp người dân tiếp cận môi trường số, hướng dẫn người dân các chủ trương, chính sách, pháp luật về CĐS; chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, phát triển công dân số theo Bộ tiêu chí công dân số huyện Văn Yên; triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử, nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”… 

Qua đó, tạo lập hành vi, thói quen, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Toàn huyện hiện có trên 9.000 công dân số, trên 500 hộ gia đình số. 

Cùng ông Trương Văn Hiều - Tổ trưởng Tổ công nghệ cộng đồng thôn Yên Thịnh, xã Yên Hợp đến tuyên truyền cho bà con trong thôn về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS mới thấy sự háo hức của bà con trong việc học tập, nghiên cứu để trở thành công dân số. Bà con được hướng dẫn cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: sổ sức khỏe điện tử, các app thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện dịch vụ công trực tuyến... 

Ông Hiều cho biết: "Khi được phân công làm tổ trưởng, tuy là nhiệm vụ mới mẻ và không dễ tiếp cận nhưng tôi đã nỗ lực học hỏi với quyết tâm cao để giúp mọi người cùng thay đổi, bắt nhịp xu hướng số. Từ kiến thức được tập huấn, tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ năng sử dụng các ứng dụng. Lúc đầu nhiều người còn e ngại, sau được hướng dẫn thấy cũng đơn giản và rất nhiều tiện ích, thuận lợi nên giờ ai cũng tích cực học hỏi, hưởng ứng, sử dụng”. 

Một trong những thành công bước đầu trong CĐS của tỉnh là đóng góp của các TCĐSCĐ. Yên Bái hiện đang triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn. 

Đến tháng 8/2022, với hơn 111.850 tài khoản, Yên Bái đứng thứ 10/63 tỉnh thành về số lượng tài khoản hoạt động trên sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số đạt 67%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành; đưa trên 4.000 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đứng thứ 6/63 tỉnh, thành. 

Là cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương, bà Hoàng Thị Chinh - Giám đốc HTX Dịch vụ, tổng hợp Yên Bình, thị trấn Yên Bình cho biết: "Trước đây, việc buôn bán theo phương thức truyền thống khiến các thành viên trong HTX mất nhiều công trong việc mời bán các sản phẩm. Từ khoảng 1 năm nay, ứng dụng việc bán hàng trên mạng, thông qua sàn thương mại điện tử đã giúp đầu ra các sản phẩm của HTX ổn định, thu nhập cũng tăng lên khoảng 30%”.  

Toàn tỉnh hiện có 173/173 xã và 1.356/1.356 thôn đã thành lập TCĐSCĐ với trên 9.000 thành viên tham gia. Kết quả này đã đưa tỉnh Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập được 100% TCĐSCĐ cấp xã, cấp thôn, bản. 

Sau khi được Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn hướng dẫn, các thành viên TCĐSCĐ cấp xã, phường và cấp thôn, bản trong toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công nghệ số với các nội dung chính như: cách tạo tài khoản và nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tập huấn hướng dẫn sử dụng nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho TCĐSCĐ... theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực phục vụ người dân với các nội dung phù hợp theo đặc thù của địa phương. Qua đó, giúp người dân dần thay đổi nhận thức về CĐS và được thụ hưởng trực tiếp lợi ích của CĐS. 

Từ thực tế triển khai cho thấy, CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu và tích cực tham gia để trở thành công dân số. Do đó, việc thành lập TCĐSCĐ trên địa bàn tỉnh đã hình thành lực lượng hùng hậu, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan chuyên môn khi triển khai nhiệm vụ CĐS, góp phần đưa hành trình CĐS của tỉnh sớm đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Thanh Chi

Tags Yên Bái công dân số chuyển đổi số cộng đồng sàn thương mại điện tử Nghị quyết số 51

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking tại điểm giao dịch xã.

Từ ngày 1/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai chính thức ứng dụng VBSP Smart Banking đến các khách hàng; trong đó, ưu tiên các đối tượng khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai hiệu quả các ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý thông tin KCB... góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo sự đổi mới cho hệ thống y tế, thúc đẩy CĐS hướng tới phát triển y tế thông minh.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) năm 2024. Hoạt động nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của và nguồn lực sẵn có của hai đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái đến năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục