Đây có thể nói là hoạt động tạo bước ngoặt to lớn trong công tác khám chữa bệnh khi việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng rất nhanh chóng. Hệ thống phần mềm được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa, phòng trong Bệnh viện, người bệnh được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần khám chữa bệnh của người bệnh đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử,… góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay, …).
Hoạt động tài chính - kế toán cũng là lĩnh vực triển khai phần mềm công nghệ số sớm nhất trong các hoạt động. Từ năm 2013, theo chủ trương chung của ngành, phần mềm kế toán MISA đã được đưa vào sử dụng tại đơn vị giúp cho bộ phận kế toán- tài vụ tiết kiệm thời gian xử lý công việc với độ chính xác cao. Đặc biệt sau đó, việc áp dụng phần mềm quản lý tài sản được tích hợp với phần mềm MISA là một thuận lợi lớn trong quản trị hoạt động của đơn vị.
Khi dịch Covid -19 xảy ra, bộc lộ nhiều khoảng trống và nguy cơ đối với ngành y tế, thì từ năm 2021, tất cả các hoạt động khám chữa bệnh, hội họp của Bệnh viện ngay lập tức được công nghệ hóa. Hệ thống phần mềm điều hành của ngành được bộ phận công nghệ thông tin tổ chức tập huấn hướng dẫn để toàn bộ cán bộ, nhân viên thực hiện thay vì chỉ Ban giám đốc và lãnh đạo các khoa, phòng sử dụng như trước kia. Các hoạt động của đơn vị không bị gián đoạn nhờ triển khai qua các phần mềm trực tuyến.
Cũng từ 2021, 100% cán bộ bệnh viện cài đặt các phần mềm vào điện thoại như phần mềm bảo hiểm y tế (VssID), phần mềm tiêm chủng.
Thực hiện định hướng chuyển đổi số trong y tế của Bộ Y tế xác định tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế nước ta trở thành ngành y tế thông minh, chuyển đổi số trong y tế được nêu rõ là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện. Từ năm 2022, các mục tiêu về chuyển đổi số đã được Bệnh viện Tâm thần tỉnh xác định thông qua kế hoạch và văn bản rõ ràng, cụ thể, ở mọi lĩnh vực hoạt động.
Kế hoạch số 283/KH-BVTT ban hành tháng 5/2022 về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số năm 2022, định hướng đến năm 2025 của Bệnh viện Tâm thần Yên Bái đã chỉ rõ các nội dung và giải pháp thực hiện, bao gồm: nâng cấp hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin cho đơn vị đạt mức 6 theo thông tư 54/2017/TT-BYT.
Đồng thời thực hiện đầu tư, nâng cấp để đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử với mục tiêu số hóa, hồ sơ bệnh án đạt 100% không sử dụng giấy tờ, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành bệnh viện thông minh, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; bổ sung Modul Quản lý chất lượng xét nghiệm, nâng cấp các tiêu chí cho phần mềm hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS) của Bệnh viện để đạt mức nâng cao tự động lấy, nhập chỉ số và cảnh báo kết quả, khóa và gửi kết quả về bác sĩ chỉ định
Tất cả những nhiệm vụ trên đã và đang được hiện thực hóa trong hoạt động khám chữa bệnh. Sau một thời gian tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn, hiện tại, việc đến khám chữa bệnh không dùng tiền mặt đã được Bệnh viện triển khai thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt, việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân được triển khai từ tháng 6/2022 giúp cho việc tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị nhanh gọn, hiệu quả, tạo tâm lý thoải mái cho người đến khám chữa bệnh, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Hiện tại, 100% công tác giao ban chuyên môn hàng ngày được thực hiện qua hệ thống giao ban trực tuyến, đồng thời duy trì hoạt động giao ban hội chẩn trực tuyến nội viện và với các bệnh viện tuyến Trung ương, từng bước tiếp cận bệnh viện triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Việc triển khai ứng dụng đặt lịch khám online cũng sẽ được đơn vị triển khai trong thời gian sớm nhất. Bệnh viện cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành y tế tổ chức chương trình talkshow trực tuyến kết nối và giải đáp thắc mắc cho người dân các thông tin về hậu Covid-19.
Chú trọng công tác truyền thông cũng như kết nối gần nhất với người dân trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, hiện tại trang web và trang fanpage của Bệnh viện cập nhật thông tin thường xuyên, đạt tỷ lệ tiếp cận và theo dõi cao, kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của người dân về sức khỏe tâm thần và các vấn đề liên quan.
Trong khuôn viên Bệnh viện cũng đã lắp đặt hệ thống camera cảm ứng trí tuệ nhân tạo giúp nhận diện khuôn mặt và nhắc nhở cán bộ, bệnh nhân và người nhà đeo khẩu trang để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Bệnh viện cũng đã thành lập riêng Câu lạc bộ chuyển đổi số gồm 7 thành viên các khoa, phòng trong đơn vị với phân công nhiệm vụ rõ ràng, tập trung vào cập nhật nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng, hướng dẫn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chủ động triển khai các sáng kiến hay, truyền thông lan tỏa các lợi ích công nghệ số.
Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của Bệnh viện Tâm thần đã đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy hiện tại vẫn còn một số khó khăn như: các hạng mục công nghệ thông tin chưa đồng bộ ảnh hưởng tới quá trình đồng bộ hóa các bộ phận chuyển đổi số, kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế...
Để thức đẩy tiến trình chuyển đổi số, cần có các hướng dẫn về điều kiện, thủ tục công nhận bệnh viện đạt các tiêu chí bệnh viện thông minh, tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng máy móc, trang thiết bị đồng bộ, tăng cường tuyên truyền đến người dân cùng tham gia đồng thời tăng cường kết nối giữa các đơn vị y tế. Đơn vị cũng mong muốn thời gian tới được cấp trên tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ Dự án Đô thị thông minh, trong đó có các hạng mục đầu tư thuộc Bệnh viện Tâm thần.
Có thể nói, qua một thời gian chưa dài thực hiện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, nhân lực và tư duy nhưng cho đến hiện tại Bệnh viện đã từng bước thay đổi bộ mặt nhờ đi đúng hướng và bắt kịp xu thế thời đại. Kết quả lớn nhất cho thấy là cả người bệnh lẫn cán bộ Bệnh viện đều được "nhờ” khi đầu tư thực hiện chuyển đổi số.
Nguyễn Sơn (Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái)