Xác định ứng dụng và phát triển CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, Trường Tiểu học & THCS Đông Cuông đã quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CĐS trong dạy học và quản lý giáo dục; tổ chức tập huấn khai thác, sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy các môn học cho cán bộ, giáo viên; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CĐS cho giáo viên.
Từ đó, các thầy, cô giáo nhuần nhuyễn sử dụng các thiết bị, các học liệu ứng dụng trong bài giảng; thư viện số kết nối với Thư viện tỉnh tạo nên không gian kiến thức rộng mở cho cả học sinh và giáo viên; những lớp học kết nối tạo hứng khởi cho học sinh…
Thầy Bùi Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Đối với nhiệm vụ CĐS, nhà trường đã xác định rõ ràng và thống nhất về nhận thức, về quan điểm, về mục tiêu, về các chỉ tiêu, phần việc thực hiện, về cách thức tổ chức thực hiện và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ CĐS của từng cán bộ quản lý, các thầy cô giáo và các em học sinh cũng như cha mẹ học sinh. Nhà trường đã xác định, CĐS ở hai nội dung trọng tâm là CĐS trong công tác dạy và học và CĐS trong công tác quản lý. Theo đó, chúng tôi thực hiện theo các tiêu chí mà ngành đã đề ra”.
Những năm qua, toàn ngành GD&ĐT huyện Văn Yên đã nỗ lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy như thực hiện quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp qua hệ thống quản lý văn bản V-Office, thực hiện chữ ký số văn bản; chỉ đạo 100% các trường học chuyển đổi gmail sang tên miền "
yenbai.edu.vn”; hướng dẫn các trường quản lý, sử dụng, báo cáo trên phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành, phần mềm cơ sở vật chất, phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức, phần mềm tập huấn trực tuyến Temis, LMS...
Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo 100% trường phổ thông sử dụng phần mềm quản lý trường học VNedu; sử dụng mở rộng thêm một số phân hệ; tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với các trường học trực thuộc, qua đó giảm kinh phí tổ chức các hội nghị trực tiếp, tiết kiệm thời gian di chuyển của người tham dự và số lượng người tham dự đông nhiều hơn và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Phòng cũng đã chỉ đạo các trường viết sáng kiến tham gia Cuộc thi "Sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và CĐS huyện Văn Yên” năm 2022. Có 60 trường tham gia với 71 sáng kiến đăng ký tham gia, đóng góp 82 phần việc.
Thường xuyên chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, đặc biệt việc sử dụng phòng học tiên tiến trong các nhà trường, qua đó giúp giáo viên và học sinh khai thác, tìm kiếm, chia sẻ các thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất. Toàn huyện có 16 trường, 86 phòng học tiên tiến.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh, tổ chức các lớp học không biên giới.
Hiện, toàn ngành đã triển khai được 5/8 nhiệm vụ trong kế hoạch CĐS năm 2022, gồm nâng cấp đường truyền Internet tốc độ cao; tiếp tục triển khai hiệu quả phần mềm quản lý trường học VNedu; ứng dụng tuyển sinh đầu cấp (1/4 tổ chức thí điểm đã triển khai); tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (1 đợt); ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói (Mobifone AI) tại 6/6 trường được lựa chọn thí điểm.
Đánh giá của Phòng GD&ĐT cho thấy, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kết quả bước đầu thực hiện CĐS đã, đang giúp ngành GD&ĐT huyện nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, từ công nghệ và ứng dụng công nghệ, diện mạo ngành GD&ĐT đang thay đổi từng ngày, từng giờ trên nền tảng số.
Với quyết tâm cao của cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành và sự hỗ trợ, định hướng, đồng hành của các cấp, ngành, các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh, tin rằng mục tiêu chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT huyện sẽ đạt được hiệu quả cao, góp phần triển khai thành công Chương trình CĐS của huyện, của tỉnh.
Thanh Ba