Bà Lò Thị Thuý Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn nhấn mạnh: Ngoài nhiệm vụ chỉ tiêu giao của tỉnh, huyện mạnh dạn xây dựng kế hoạch đề ra trong năm xác định cụ thể 6 lĩnh vực trọng tâm như: CĐS lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực y tế, lĩnh vực du lịch, lĩnh vực thương mại điện tử và CĐS nâng cao, thí điểm tại 8 xã, thị trấn với 48 mục tiêu đề ra rất cụ thể.
Huyện ủy, UBND đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó xác định được con đường CĐS số cho cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn.
Hết năm 2022, huyện Văn Chấn đã hoàn thành 42/48 chỉ tiêu, đạt 87,5%; trong đó 17/48 chỉ tiêu vượt kế hoạch”. Là xã được chọn thí điểm CĐS cấp xã, kết thúc triển khai thí điểm giai đoạn 1, xã Tú lệ đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, 100% cán bộ công chức UBND xã được trang bị máy tính và kết nối mạng nội bộ; xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống điều hành thông minh; hệ thống camera an ninh được lắp đặt và tích hợp với Bộ phận giám sát, điều hành thông minh xã; 100% thôn, bản có sóng di động 4G; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 41,49%; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh 86%;
Cùng đó, 100% cán bộ xã, cán bộ công chức xã đã được cấp tài khoản sử dụng hệ thống thư điện tử công cụ của tỉnh, đạt 48,14%; 100% cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức có thẩm quyền thuộc UBND xã được cấp chữ ký số chuyên dùng; 100% cán bộ được cấp tài khoản và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 69,64%; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%.
Từ kết quả đạt được ở xã Tú Lệ, năm 2022, huyện Văn Chấn cũng đã lựa chọn 8/24 xã, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình CĐS. Trong đó, xã Đại Lịch đạt 15/18 chỉ tiêu, Tân Thịnh đạt 14/18 chỉ tiêu, Nậm Búng đạt 15/18 chỉ tiêu, Đồng Khê đạt 17/18 chỉ tiêu, Sơn Thịnh đạt 16/18 chỉ tiêu....
Huyện cũng đã thành lập tổng số 213 tổ CĐS với tổng số 1.157 người tham gia. Toàn huyện hiện có 51 điểm cầu họp trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong đó thuộc UBND 23 điểm; 1 điểm cầu tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, 27 điểm cầu họp trực tuyến của ngành Giáo dục; thành lập 213 Tổ công tác Đề án 06 cấp thôn sẵn sàng phục vụ cho việc triển khai ứng dụng VNEID; phối hợp với Trung tâm CĐS xây dựng website du lịch của địa phương.
Cùng với đó, huyện Văn Chấn cũng đã làm tốt công tác CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo CĐS huyện đã bám sát nội dung kế hoạch của tỉnh, xây dựng nội dung kế hoạch chi tiết của huyện triển khai thực hiện, sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất nông nghiệp đã hưởng ứng quan tâm tham gia tập huấn đã đưa được các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.
Kết quả, có gần 4.200 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT; 277 sản phẩm các loại được đưa lên sàn TMĐT, trong đó có 19/19 sản phẩm OCOP, đạt 100%; 460 lượt giao dịch trên sàn TMĐT, doanh thu đạt 62,6 triệu đồng; đã đưa 142/178 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đủ điều kiện lên sàn TMĐT, đạt 79,77%, tăng 9,77% so với kế hoạch giao.
Trong năm 2023, Huyện Văn Chấn xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện. Do đó, huyện chỉ đạo duy trì và nâng cao những chỉ tiêu và nhiệm vụ đã hoàn thành và đạt được trong năm 2022, tiếp tục thực hiện những chỉ tiêu chưa hoàn thành. Với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, huyện chủ trương nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công trong năm 2022.
Bà Lò Thị Thuý Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết thêm: "Cách làm của Văn Chấn là xác định mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận gắn trách nhiệm đến từng cá nhân. Không thực hiện dàn trải, đưa ra các mục tiêu phù hợp với cơ quan, đơn vị, từng xã, thị trấn...”.
Hồng Duyên