Đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ, nhãn, mận, đào của anh chị Phạm Văn Minh, Nguyễn Thị Hiên ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ không chỉ "đã mắt” bởi vườn cây trĩu quả mà chúng tôi còn ngạc nhiên khi thấy chị đang livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Với diện tích trên 1 ha, xác định để chủ động đầu ra thì phải hướng đến nhiều đối tượng khách hàng, chị Hiên đã đầu tư mua điện thoại thông minh phân khúc cao, quay chụp sản phẩm và tập livestream để quảng bá các sản phẩm của mình.
Chị Hiên cho hay: "Ban đầu cũng ngại vì không quen nói, nhưng từ khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm khó tiêu thụ nên tôi mạnh dạn thử để tiếp cận được khách hàng. Dần dần rồi quen nên bây giờ mỗi lần livestream có hàng trăm người xem, bình luận và nhiều người đặt hàng trực tiếp nên tôi càng có thêm động lực. Nhờ áp dụng CĐS nên sản phẩm của gia đình tiêu thụ thuận lợi và trừ chi phí còn thu lãi trên 200 triệu đồng”.
Dây chuyền sản xuất xi măng của Công ty Xi măng Yên Bình với khối lượng lớn máy móc nhưng mỗi ca sản xuất hiện chỉ cần khoảng 25 - 30 công nhân vận hành bởi các dây chuyền đều được sử dụng máy móc hiện đại. Trước đây, nếu ở hệ thống băng tải dài 500 m cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất xi măng sẽ có khoảng 5 lao động đứng máy thì nay nhờ ứng dụng chuyển đổi số, hệ thống chỉ cần 1 người ở Phòng Điều hành trung tâm bấm nút để thiết bị chạy hoặc dừng theo đúng thời gian. Cùng đó, tại các vị trí cần người quan sát, Công ty đã lắp đặt hệ thống camera giám sát máy móc tại tất cả các bộ phận sản xuất để phát hiện kịp thời những bất thường khi thiết bị hoạt động.
Ông Lê Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Bước vào thời kỳ số hóa công nghệ, thay vì sử dụng sức người, mọi hoạt động của Công ty đều hướng vào sử dụng máy móc với độ chính xác cao. Theo đó, Công ty đã đầu tư mua sắm dây chuyền máy móc nhập khẩu hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phù hợp với từng dây chuyền sản xuất để giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh”.
Trong thời đại 4.0, nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh. Là cửa hàng chuyên cung cấp đa dạng các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, các sản phẩm thực phẩm chức năng… khi khách hàng đến mua sản phẩm tại Nhà thuốc Bảo Lâm, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái sẽ được nhân viên tích điểm trên hệ thống bán hàng sau mỗi lần mua sắm và được chiết khấu cho những lần mua sau.
Chị Lương Thanh Tú - Chủ cửa hàng thông tin: "Ngoài thanh toán bằng tiền mặt thì nay đã có khoảng 50% khách hàng thanh toán trực tuyến bằng VNPAY-QR trên ứng dụng mobile banking của các ngân hàng, chuyển khoản trên thiết bị điện thoại di động. Khách hàng cũng có thể theo dõi, cập nhật chương trình giảm giá, khuyến mại để mua hàng trực tuyến thông qua Fanpage của nhà thuốc”.
Có thể thấy, khi người dân bắt đầu đón nhận và sử dụng những giá trị do CĐS mang lại, đã góp phần xây dựng địa phương phát triển, văn minh. Đó chính là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Với tinh thần "CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân", tỉnh đang tiếp tục thực hiện các mục tiêu tiếp theo trong hành trình CĐS với đặc trưng "Yên Bái - CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn”.
Thanh Chi