"Được các đồng chí Công an phường gọi điện thoại tuyên truyền, vận động, rồi cũng có thông báo lịch cấp căn cước công dân (CCCD) trên nhóm Zalo của tổ dân phố, nên dù đang làm ăn ở xa nhưng tôi cũng cố sắp xếp công việc để đến làm CCCD. Tôi thấy có CCCD rất là tiện lợi bởi vì được tích hợp hết tất cả các giấy tờ quan trọng” - chị Chu Thanh Tâm tổ dân phố Phúc Yên cho biết.
Công an phường đã sử dụng các trang mạng xã hội hoặc thông qua các kênh liên lạc trực tiếp, gián tiếp để tuyên truyền về các tiện ích; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục kích hoạt tài khoản định danh điện tử trực tiếp trên các thiết bị như máy tính hoặc điện thoại thông minh có sẵn…
Trung tá Hoàng Mạnh Lâm - Phó trưởng Công an phường Nguyễn Phúc cho biết: "Qua rà soát, trên địa bàn phường trước đây có hơn 1.000 trường hợp công dân đi làm ăn xa hoặc không có mặt ở địa phương mà chưa làm thủ tục cấp CCCD hoặc kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Chúng tôi cũng đã chủ động tìm cách liên hệ đối với từng trường hợp để tuyên truyền, vận động; đồng thời, trao đổi, phối hợp với công an các đơn vị địa phương nơi các công dân này đăng ký tạm trú hoặc đến làm ăn, sinh hoạt để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến thực hiện các thủ tục cấp CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Hiện nay, chỉ còn gần 100 trường hợp công dân chưa được cấp CCCD, chúng tôi cũng đã liên hệ được và sẽ hỗ trợ số công dân này hoàn thiện các thủ tục trong thời gian sớm nhất”.
Lực lượng Công an phường Nguyễn Phúc với vai trò là cơ quan thường trực đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, bảo đảm đúng tiến độ. Một trong những biện pháp được triển khai hiệu quả là thành lập các tổ công tác hỗ trợ CĐS đến từng tổ dân phố; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, xuyên suốt cho các thành viên tổ công tác, bảo đảm sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo điều hành.
Phường đã triển khai thành lập 8 tổ công tác hỗ trợ CĐS. Các tổ công tác này do lực lượng công an làm nòng cốt, cùng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương như: bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, ban công tác mặt trận… đến từng nhà hộ dân để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người dân trong thực hiện các nội dung trong công tác CĐS.
Bên cạnh việc phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chúng tôi cũng giao chỉ tiêu cụ thể và gắn trách nhiệm đối với từng thành viên tổ công tác trong việc bảo đảm tiến độ được giao.
"Do vậy, chúng tôi đã về đích sớm hơn 10 ngày so với yêu cầu đề ra trong đợt cao điểm "90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành những chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06.
Phường Nguyễn Phúc cũng là đơn vị dẫn đầu của thành phố Yên Bái trong thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cài đặt ứng dụng Yên Bái-S” - bà Phùng Thị Thanh Vân - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc cho biết.
Theo kế hoạch, Yên Bái phấn đấu đến ngày 30/6 đăng ký, kích hoạt được 450.000 tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 20/6, toàn tỉnh mới đăng ký và được phê duyệt 298.649 trường hợp và kích hoạt được 176.648 tài khoản định danh điện tử (đạt 39,26%), chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra.
Do vậy, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các ban, ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị, mỗi người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các nội dung Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Có như vậy, người dân mới nhanh chóng được tiếp cận những tiện ích mà Đề án chuyển đổi số quốc gia mang lại.
Đỗ Huy