Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Đề án ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Nói một cách dễ hiểu, dưới góc độ của người dân, tức là sẽ từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng CCCD, hoặc điện thoại thông minh với việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT); mọi TTHC, giao dịch tài chính cũng được cải cách, đơn giản hóa và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân.
Năm 2022, ngành công an đã cung cấp các tiện ích như: sử dụng TKĐDĐT thực hiện dịch vụ công; sử dụng thẻ CCCD, VNeID (ứng dụng của Bộ Công an) thay thế cho thẻ bảo hiểm xã hội; sử dụng CCCD thay thế thẻ ATM; chấm điểm tín dụng phục vụ cho vay tín chấp; kết nối với hợp đồng điện tử xác thực phục vụ thu thuế và truy thu thuế; làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động.
Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, ngành công an tiếp tục cung cấp các dịch vụ, tiện ích đến với người dân: thực hiện bỏ phiếu, bầu cử điện tử, khảo sát, lấy ý kiến người dân; kết nối với hợp đồng điện tử, thuế điện tử, hướng tới phục vụ truy thu, quản lý thuế trong thương mại điện tử... Đến nay, rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trực tiếp sử dụng và thụ hưởng những tiện ích này. Họ đều đã khẳng định đó là những trải nghiệm mới mẻ, giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí.
Chị Lê Thị Huyền ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình khi khám chữa bệnh bằng CCCD thay cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã chia sẻ: "Chẳng thể ngờ CCCD lại thay thế được cho BHYT. Chỉ cần đưa CCCD cho nhân viên y tế quét một tí là xong, chẳng cần mang thêm nhiều loại giấy tờ, tránh rơi mất hoặc quên, rất tiện lợi”.
Đến nay, việc sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh, cập nhật thông tin tiêm chủng, cấp hộ chiếu vaccine và triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử đã được tỉnh Yên Bái đẩy mạnh thực hiện. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên 700.000 người tham gia; 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD hoặc qua ứng dụng VNeID (áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công TKĐDĐT).
Người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí khi giải quyết thủ tục hành chính với những tiện ích từ Đề án 06.
Tính đến ngày 8/6/2023, toàn tỉnh đã có 338.017 lượt tra cứu khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, trong đó có 260.554 lượt tra cứu thành công. Tại các khu vực đăng ký khám, chữa bệnh BHYT, trang thiết bị để quét mã QR-Code được trang bị đầy đủ.
Nhân viên y tế thực hiện kiểm tra CCCD bằng cách quét QR-Code của người bệnh, nếu đảm bảo đầy đủ thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì đón tiếp người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành; trường hợp người bệnh chưa có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT sẽ được nhân viên y tế giải thích cụ thể và đề nghị người bệnh xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện quy trình khám chữa bệnh BHYT thông thường.
Khác biệt với CCCD, TKĐDĐT được sử dụng xác thực thông tin trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng VneID. Đây là ứng dụng do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, có thể được hiểu là "ví giấy tờ điện tử", là phương thức quản lý thông tin thẻ CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng.
Bạn trẻ Ngô Thảo Hương ở thành phố Yên Bái đã có một trải nghiệm khá thú vị ở Sân bay quốc tế Nội Bài trong chuyến du lịch cùng gia đình với việc sử dụng TKĐDĐT thay thế CCCD. Hương chia sẻ: "Chỉ là thay đổi một thói quen dù nhỏ thôi nhưng không ngờ lại tiện ích như thế. Từ quầy thủ tục check-in, cửa kiểm soát an ninh và khi ra cửa máy bay, tôi chỉ cần dùng điện thoại, không cần trình giấy tờ khác nữa. Trước đây, giấy tờ khá nhỏ, lôi ra lôi vào rất dễ rơi mất nên khi sử dụng điện thoại tôi thấy tiện lợi hơn rất nhiều. Tôi đã từng mong muốn việc này được triển khai từ lâu lắm rồi”.
Triển khai Đề án 06, các sở, ngành, địa phương cũng đã chỉ đạo các bộ phận giải quyết TTHC thực hiện nghiêm túc nội dung không yêu cầu xác nhận chứng minh nhân dân 9 số; tiếp nhận, giải quyết TTHC không yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú…
Chị Lê Thị Lan - Phó trưởng Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện Văn Chấn cho biết: "Hiện nay, công dân khi sử dụng CCCD gắn chíp sẽ không phải xuất trình hồ sơ chứng minh thông tin của bản thân như sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận nơi cư trú khi thực hiện TTHC. Giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng theo hướng không yêu cầu người dân khai báo lại. Ngoài ra, công dân cũng có thể thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia với 2 loại tài khoản gồm: tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia và TKĐDĐT trong quá trình thực hiện TTHC, đặc biệt thuận lợi khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”.
Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện các TTHC, UBND tỉnh đã trình HĐND ban hành Nghị quyết số 57/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 quy định mức thu lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh khi thực hiện các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Yên Bái bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 4/7/2020.
Cùng với đó, để sớm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác liên quan đến Đề án 06, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm "90 ngày, đêm” triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu cấp CCCD, định danh điện tử, làm sạch dữ liệu thông tin dân cư…
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Lực lượng Công an cấp xã và các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tích cực xuống từng thôn, bản, tổ dân phố hướng dẫn, hỗ trợ công dân lập tài khoản sử dụng dịch vụ công; cài đặt, đăng ký, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VNeID...
Đặc biệt, tại các địa bàn có nhiều người dân tộc Mông sinh sống, đã tổ chức biên dịch nội dung tuyên truyền Đề án 06 sang tiếng Mông để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn.
Tính đến tháng 6/2023, Công an tỉnh đã thu thập, cập nhật lên hệ thống dữ liệu dân cư được 217.466 hộ, 913.490 nhân khẩu và đã hoàn thành việc điều chỉnh thông tin hộ không có chủ hộ; cập nhật thông tin công dân thiếu trường, thông tin chứng minh nhân dân 9 số; rà soát, sai lệch thông tin dân cư với thông tin CCCD; rà soát đối khớp dữ liệu phạm nhân; cập nhật, chỉnh sửa, thêm mới thông tin đối tượng trên hệ thống tính theo đầu đối tượng đạt 99,88%. Toàn tỉnh cũng đã thu nhận được 737.118 hồ sơ cấp CCCD, trong đó cấp mới 670.736 hồ sơ/691.904 trường hợp phải cấp (đạt 96,94%); thu nhận 286.736 hồ sơ cấp TKĐDĐT mức 2 thông qua cấp CCCD, kích hoạt mức 2 là 167.217 hồ sơ, đạt 42,24%.
Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đồng hành, thực hiện việc nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; đẩy mạnh các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD gắn chip, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình triển khai sẽ được thực hiện một cách bài bản, đúng quy định, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức; đảm bảo mục tiêu phát triển ứng dụng
dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù của địa phương.
Hoài Anh