Nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện sau một năm ứng dụng VNeID

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/8/2023 | 9:00:57 AM

YênBái - Sau một năm công bố và đưa vào sử dụng rộng rãi, ứng dụng VNeID mang lại những tiện ích bước đầu trong giải quyết thủ tục hành chính nhưng cũng không tránh khỏi những phiền hà cần được khắc phục nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Nhiều tiện ích tích hợp trong ứng dụng VNeID.
Nhiều tiện ích tích hợp trong ứng dụng VNeID.

"Siêu ứng dụng" với loạt tiện ích

Theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), đến nay, đơn vị thu nhận và phê duyệt trên 52 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử (VNeID). Số tài khoản VNeID được cấp nêu trên theo đánh giá của Cục C06 là đã vượt mức kế hoạch đề ra và đơn vị này đang tiếp tục đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản để thụ hưởng những tiện ích mà ứng dụng này mang đến. 

Một năm đi vào cuộc sống, VNeID thực sự đã tạo ra những bước chuyển mới khi giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Đặc biệt, với việc kích hoạt tài khoản ở mức độ 2 đã gần như thay thế căn cước công dân gắn chíp và nhiều loại giấy tờ khác như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế... 

Cụ thể, sau khi tích hợp, thông tin hiển thị của thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID được xác thực và truy xuất từ cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế Việt Nam, việc này sẽ phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm mà không cần trình thẻ bảo hiểm y tế truyền thống.

Đối với thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe, các thông tin hiển thị các hạng giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Do đó, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.

Tương tự, với việc sử dụng VNeID, người dùng thực hiện thông báo lưu trú mọi lúc, mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an.

Theo Bộ Công an, việc ra đời ứng dụng VNeID đã mang lại tiện ích trong việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến như: thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

Bên cạnh đó, các tính năng như ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền.

Bộ Giao thông vận tải là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sử dụng VNeID khi cho phép hành khách làm thủ tục tại sân bay với những chuyến nội địa, từ 2/8/2023. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tài khoản VNeID có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân. Dù quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, tuy nhiên đây được xem là tín hiệu cho thấy ứng dụng VNeID đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. 

Trước đó, nhiều bộ, ngành khác như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều địa phương tích cực triển khai Đề án 06, trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng xác thực điện tử.  

Ở các địa phương, Hà Nam là đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong việc kích hoạt tài khoản VNeID cho người dân. Với việc kích hoạt 562.491 tài khoản định danh điện tử (đạt 91,52%), ứng dụng VNeID đã mang lại những tiện ích trong một số lĩnh vực. Đơn cử,  có 118/118 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng ứng dụng VNeID thay thẻ bảo hiểm y tế. Đến nay, đã có hơn 181.008 lượt người khám bệnh mà không cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế giấy. 

Tiếp tục hoàn thiện

Quá trình triển khai áp dụng VNeID, đã có không ít những phản ánh của người dân về việc khó sử dụng, tích hợp dữ liệu, đường truyền bị gián đoạn... Những nội dung này, đại diện Cục C06-Bộ Công an cho biết đã nắm bắt và đã có những giải pháp khắc phục kịp thời. Theo đại diện C06, Cục đã xây dựng chuyên mục hỏi đáp trên cổng thông tin điện tử và giải đáp ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng. 

Việc triển khai ứng dụng VNeID là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, năm 2023 là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. 

Tính đến tháng 7/2023, Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công tỉnh với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực, kiểm tra danh tính điện tử của công dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Yên Bái cũng đã thực hiện công khai, đầy đủ 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái. Tính đến 10/7/2023, tỉnh Yên Bái xếp thứ 6/63 tỉnh thành phố trong Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. 

Hiện có 199/199 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc qua ứng dụng VNeID và đã có 338.017 lượt người sử dụng CCCD gắn chíp thay thế bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh, trong đó có 260.554 lượt tra cứu thành công.

Tính đến ngày 14/6/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 738.934 hồ sơ CCCD, trong đó cấp mới 672.153 hồ sơ/672.153 nhân khẩu đủ điều kiện cấp, đạt tỷ lệ 100% ("về đích sớm”, hoàn thành trước thời hạn Bộ Công an giao 46 ngày). Riêng trong 6 tháng đầu năm đã thu nhận 36.646 hồ sơ CCCD, trả công dân 21.880 thẻ CCCD.
Thủy Thanh (BT- Vietnamnet)

Các tin khác
Xe thư viện lưu động luân chuyển sách đến tủ sách Trường Tiểu học và THCS xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của toàn xã hội trong bối cảnh công nghệ 4.0, việc từng bước xây dựng mô hình thư viện cơ sở theo xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo linh hoạt trong hoạt động, bám sát thực tế sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin, tri thức.

BHXH tỉnh phối hợp với công an địa phương thực hiện rà soát, cập nhật số ĐDCN/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT và hướng dẫn cài đặt VssID.

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai và bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Sản phẩm bưởi của gia đình anh Lê Văn Minh, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình được livestream bán hàng trực tiếp tại vườn.

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Bắt nhịp xu thế, nhiều hội viên (HV) Hội Nông dân t Yên Bái đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, cách làm, chủ động nâng cao kiến thức về CĐS để tiến đến gần hơn với nền nông nghiệp thông minh.

Cán bộ BHXH Huyện Văn Yên hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNEID cho người dân.

Để giúp người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHYT, BHTN) tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, thời gian qua, BHXH huyện Văn Yên đã tích cực đẩy mạnh triển khai đăng ký giao dịch điện tử và cài đặt ứng dụng VssID.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục