Yên Bái là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57%; toàn tỉnh có 59 xã vùng III (chiếm 34% số xã, phường, thị trấn), có 2 huyện đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Do vậy, chuyển đổi số (CĐS) là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Mặc dù khó khăn, thách thức lớn, song công tác CĐS ở Yên Bái đã đạt được những thành tựu đáng kể. Minh chứng rõ nét nhất là
chỉ số CĐS (DTI) của tỉnh tăng nhanh và đều qua các năm. Những kết quả đó có được là nhờ sự lãnh đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã bám sát tinh thần CĐS nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển chung của tỉnh, coi CĐS là giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian, cơ hội phát triển để đưa một tỉnh còn nghèo như Yên Bái dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Ngày 22/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến năm 2030. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND, ngày 26/10/2021 thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về CĐS. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025.
Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, tỉnh xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, tạo sự tiện lợi và thuận tiện cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ công. Đồng thời, việc thúc đẩy phát triển kinh tế số cũng là một phương tiện quan trọng để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện một số biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy công tác CĐS.
Trước tiên, tỉnh chú trọng đầu tư vào hạ tầng viễn thông, đảm bảo mạng lưới Internet có khả năng phủ sóng rộng rãi và ổn định, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ trực tuyến của người dân. Đồng thời, việc xây dựng một hệ thống phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu liên kết đã được triển khai, giúp tối ưu hóa quản lý và cung cấp dịch vụ công, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức cho người dùng. Thêm vào đó, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.
Đồng thời, chú trọng tăng cường việc đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức và nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Qua việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, buổi tập huấn, tỉnh đã nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, từ đó đảm bảo sự hiểu biết và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Đến nay, toàn tỉnh có 57% người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng nền tảng Công dân số tỉnh Yên Bái (YenBai-S); tỷ lệ đảng viên có tài khoản sử dụng nền tảng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đạt 82,4%.
Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số toàn tỉnh đạt 12,20% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
100% cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); 80% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 30% hồ sơ TTHC được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.
Năm 2023, toàn tỉnh đã xóa được 34 vùng lõm sóng di động 4G; tỷ lệ thôn/bản/tổ dân phố phủ sóng băng rộng di động đạt 98%; tỷ lệ thôn/bản/tổ dân phố có Internet băng rộng cố định đạt 95%.
Đặc biệt, một số chỉ tiêu xã hội số của tỉnh đã đạt mức cao so với mục tiêu đề ra: 80% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 65% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 62% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang; 77% các nhà văn hóa thôn, bản, tổ đã được kết nối Internet; 100% hồ sơ bệnh án đã được số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu; 99% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh được xác thực với CSDL quốc gia về dân cư…
Kết quả của công tác CĐS ở địa phương Yên Bái đã rõ rệt. Quá trình cung cấp dịch vụ công đã trở nên nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn. Người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách dễ dàng, từ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ khẩu, đăng ký học tập đến nộp thuế và xử lý các TTHC khác. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và đánh giá công tác quản lý từ phía chính quyền địa phương.
Ngoài ra, việc phát triển kinh tế số cũng đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cần được vượt qua trong quá trình CĐS. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cam kết tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác CĐS. Đồng thời, việc đảm bảo an ninh thông tin, bảo vệ quyền riêng tư và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Với chủ đề CĐS quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, tại
Hội nghị tổng kết công tác CĐS năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã đề nghị Ban Chỉ đạo về CĐS của tỉnh, các ban, sở, ngành, địa phương cần bám sát chủ đề để xây dựng, ban hành Kế hoạch CĐS năm 2024 với những chỉ tiêu cụ thể, đảm bảo khoa học, sát thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân triển khai hiệu quả công tác CĐS theo phương châm "Toàn dân, toàn diện”.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đồng hành với tỉnh Yên Bái trong việc triển khai nhiệm vụ CĐS; chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn để tư vấn các giải pháp số phù hợp nhằm đổi mới mô hình quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp… Dù vẫn còn những thách thức, nhưng với sự cam kết và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng, Yên Bái sẽ tiếp tục vươn lên và trở thành địa phương điển hình về CĐS trong khu vực.
Thanh Ba