Dịch chuyển sang quảng cáo số
Thực tế hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang thay đổi, chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, điều này sẽ tác động tới doanh thu của các cơ quan báo chí.
Phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu.
Quảng cáo là nhu cầu phát triển của cơ quan báo chí, bởi các tòa soạn muốn có tài chính để tái đầu tư, đổi mới kỹ thuật và công nghệ làm báo, tăng doanh thu và nâng cao thu nhập cho cán bộ, phóng viên, thu hút người tài, cần phải có kinh phí, trong đó, quảng cáo chiếm phần lớn nguồn thu.
Lúc này, sản phẩm báo chí truyền thông được bán hai lần, một là bán cho công chúng, hai là bán cho nhà quảng cáo. Nói một cách khác, các cơ quan báo chí hoạt động trong môi trường "song sản phẩm”.
Sự phát triển chung của xã hội, một thế giới mới đang mở ra, bên cạnh những cơ quan báo chí, đài truyền hình được bao cấp hoàn toàn hoặc một phần, một số cơ quan báo chí truyền thông đã tự làm dịch vụ kinh doanh, theo cơ chế "lãi hưởng, lỗ chịu", cung cấp cho xã hội những thông tin theo xu hướng kinh doanh, giải trí...
Theo tôi, điều này mang lại lợi ích cho Nhà nước không phải trả một khoản tiền khổng lồ để "nuôi” báo chí. Quan trọng hơn, công chúng được tự do lựa chọn các thông tin mà họ cần. Giờ đây, công chúng có thể chọn nguồn thông tin chính xác, phong phú, kịp thời, phân tích chuyên sâu theo đúng yêu cầu của họ, trong khi các cơ quan báo chí truyền thông có thể bán sản phẩm của mình.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho rằng, quảng cáo số chính là "chiếc phao cứu sinh" của báo chí hiện đại.
"Kỹ thuật số là số 1"
Dưới đây là một số giải pháp trong việc phát triển quảng cáo số:
Đầu tiên, nội dung là "Vua” - yếu tố then chốt. Một nghiên cứu gần đây của các học giả Mỹ cho thấy, với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thế lực truyền thông xã hội, quảng cáo trên các cơ quan báo chí hiện nay đã sụt giảm nghiêm trọng.
Các cơ quan báo chí cần mở rộng các nhóm công chúng có liên quan và hòa nhập với thị trường, áp dụng triệt để lý thuyết "nội dung là Vua”, phát triển công chúng và thị trường ngách. Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào cũng có lợi thế và cơ hội để tăng "hầu bao” tài chính và phát triển chiến lược nguồn thu. Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện những yêu cầu mới như "công chúng là số 1", "kỹ thuật số là số 1" đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, cạnh tranh báo chí gia tăng sẽ khiến các cơ quan báo chí truyền thông phải chú trọng đầu tư vào chất lượng nội dung, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh để có thể thu hút được nhiều công chúng, tăng nguồn thu. Trong nền kinh tế báo chí truyền thông, công chúng được phục vụ tốt hơn, có được nhiều sự lựa chọn hơn. Họ có thể chọn những tờ báo, kênh truyền hình với nội dung thông tin tốt, có sự phân tích, bình luận sâu. Do đó, để báo chí truyền thông có thể phát triển một cách bền vững và chuyên nghiệp, kinh tế hóa báo chí truyền thông là một tất yếu.
Nên chăng, cần phải thay đổi nhận thức và tư duy, coi báo chí truyền thông là một ngành kinh tế sẽ phát huy hết vai trò, tầm quan trọng trong xã hội. Trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0 và bối cảnh chuyển đổi số báo chí, ngoài việc chú trọng phát triển nội dung, rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật.
Trong thời gian khá dài, các cơ quan báo chí vẫn phát triển chiến lược lấy công chúng làm trọng tâm. Nhưng giờ đây câu chuyện đã khác, công nghệ thay đổi nhanh đến mức, báo chí truyền thống không biết nền tảng nào là quan trọng nhất trong việc tiếp cận công chúng. Điều đó cho thấy, ngoài việc chú trọng về nội dung, các cơ quan báo chí cũng cần đầu tư mạnh cho giải pháp kỹ thuật. Nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ, một tờ báo sẽ bị giảm mức độ lan tỏa thông tin, quảng cáo số sẽ sụt giảm.
Thứ ba, chuyển hướng sang báo chí số. Trong bối cảnh khó khăn ngày càng gia tăng hiện nay, các cơ quan báo chí cố gắng tận dụng lợi thế của Internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường Internet.
Thứ tư, trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo là nguồn thu chính để báo chí tồn tại phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Do đó, hơn lúc nào hết các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp. Từ đó mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có trong bối cảnh hiện nay.
Thứ năm, một thời gian khá dài, báo in luôn là loại hình truyền thông chủ yếu của bạn đọc, cũng là sự lựa chọn chủ yếu của doanh nghiệp khi họ có nhu cầu quảng cáo. Nhưng ngày nay, số lượng phát hành của báo in giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực tuyến. Do đó, nhiều nhà quảng cáo đã dịch chuyển sang quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số.
"Trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0 và bối cảnh chuyển đổi số báo chí, ngoài việc chú trọng phát triển nội dung, rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật'.
Lúc này, các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới. Cụ thể hơn, diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào các "thế lực” truyền thông xã hội.
Thứ sáu, đa dạng hóa các nguồn thu, gia tăng quảng cáo truyền thông, các cơ quan báo chí cần tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tạo thương hiệu, tăng nguồn thu. Trước sự tác động không nhỏ của truyền thông xã hội, việc có nhiều nguồn thu sẽ giúp các tòa soạn trụ vững và phát triển. Trong bất kỳ giai đoạn nào, để tăng nguồn thu, các cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc dịch vụ công nghệ thông tin.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng, bởi với uy tín và các mối quan hệ của mình, các cơ quan báo chí có khả năng huy động được các nguồn lực: tiền, hàng hoá, nhân lực…để tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện. Đây là một trong những cách tăng thương hiệu của cơ quan báo chí lên.
Cuối cùng, khai thác dữ liệu báo chí và giữ chân công chúng. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong hoạt động báo chí nhất là phát triển kinh tế báo chí, nhất là quảng cáo số. Nghiên cứu của các học giả trên thế giới cho thấy, chiến lược kinh doanh cho các cơ quan báo chí trong xu thế chuyển đổi số không chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu quảng cáo và cần phải trở về giá trị cốt lõi của báo chí đó là sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? Đây là vấn đề giữ chân độc giả, coi độc giả là trung tâm. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần phải xác định rõ nhu cầu của độc giả bằng cách tìm hiểu độc giả, theo dõi, thử nghiệm ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Trước xu hướng chuyển đổi số, vấn đề lớn nhất của các cơ quan báo chí không chỉ là doanh thu mà là công chúng. Họ phải nghiên cứu phân khúc công chúng là gì? Thị phần quảng cáo ra sao? Làm thế nào để bán được quảng cáo? Sản xuất cái gì, bán ở đâu, thị trường nào? Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc cơ quan báo chí xác định được độc giả trung thành, chính là "người” mang lại giá trị nguồn thu cho cơ quan báo chí.
Muốn vậy, các cơ quan báo chí cần phải có chính sách, xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả, đặc biệt phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo chí điện tử. Đây cũng là nguồn để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị