Hội thảo là một trong những hoạt động của dự án dịch vụ hành chính công trực tuyến do Mạng lưới Sinh viên khiếm thị Việt Nam thực hiện, nhằm trang bị kỹ năng và mở rộng tầm nhìn về hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật.
Số liệu đưa ra tại hội thảo cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt chiếm khoảng 28%.
Người khuyết tật đánh giá việc số hóa hành chính công mang lại nhiều lợi ích từ việc đi lại và thực hiện các thủ tục hành chính trở nên thuận tiện. Tuy nhiên, khó khăn đối với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị, trong các thao tác tra cứu, tìm kiếm thông tin, đăng tải hình ảnh… của dịch vụ hành chính công trực tuyến còn khá nhiều. Giao diện web không thể nhận dạng được bằng trình đọc màn hình. Kết quả khảo sát cho thấy 100% người khiếm thị tham gia không thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ hành chính công hiện tại.
Nhiều hạn chế khác trong việc sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với người khiếm thị được đưa ra như hệ thống công nghệ thông tin của giao diện số, cách thao tác, quy trình thực hiện chưa được tối ưu hóa trên các thiết bị, đặc biệt thiết bị di dộng cho người khiếm thị. Tài liệu hướng dẫn chưa đầy đủ, phù hợp. Cùng với đó, bản thân người khiếm thị chưa hiểu rõ lợi ích của dịch vụ hành chính công trực tuyến mang lại.
Tại hội thảo "Góc nhìn người khuyết tật và chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến”, ông Phạm Quang Khoát – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho rằng, hành chính công trong trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người khuyết tật, song người khuyết tật phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế việc sử dụng công nghệ, thiếu thốn về thiết bị kết nối internet, khả năng tiếp cận ứng dụng trực tuyến đối với người khuyết tật vẫn còn khoảng cách.
Công ty Cổ phần Công nghệ Htecom trong một buổi trao đổi về lập trình cho người khuyết tật khiếm thị. (Ảnh: NVCC)
Theo ông Phạm Quang Khoát, hành chính công mang lại nhiều lợi ích cho người khuyết tật như tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng cường tính tiếp cận thông tin minh bạch như quy trình thời gian trả hồ sơ, nội dung chính sách, giúp người khuyết tật có thể độc lập hơn trong việc hoàn thành thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, để giải quyết những tồn tại nêu trên, cần cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ trực tuyến, thiết lập có mục dành riêng cho người khuyết tật, hoặc người khiếm thị, tăng cường bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư.
Với phương châm không để người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống một cách đầy đủ, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có thêm các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật được làm quen với công nghệ ở độ tuổi sớm hơn. Trên thực tế, rất nhiều người khuyết tật đã thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ thông tin, thậm chí trong lĩnh vực này họ còn đạt được những thành tựu, thành công hơn người bình thường.
Tại Hà Nội, Công ty CP Nghị lực sống - DN xã hội do chị Nguyễn Thị Vân là một trong những nhà sáng lập là một điển hình đáng nhân rộng. Với phương châm "chúng tôi chỉ là những người gieo hạt”, từ khi thành lập, Nghị lực sống đã hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật thông qua việc đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp họ tìm được việc làm phù hợp.
Theo ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, trong thời đại công nghệ số, người khuyết tật phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như việc tiếp cận, chi phí... đặc biệt là chi phí về công nghệ khá cao nên người khuyết tật rất hạn chế trong việc tiếp cận. Để giải quyết những thách thức này, cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, Nhà nước và xã hội. Song với việc triển khai công nghệ số, cần rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cũng như bổ sung chính sách giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ số một cách tốt nhất.
(Theo kinhtedothi)