Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng là người dân và du khách dễ dàng check mã truy xuất QR code được gắn trên từng cây chè tại vườn chè của Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng. Tuổi đời của cây, tọa độ, độ cao, thời tiết, khí hậu, độ ẩm tại vị trí cây chè sinh sống và đặc biệt là câu chuyện về mỗi gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, tất cả đều sẽ được hiển thị.
Chuyển đổi số đến từng gốc chè như thế này không chỉ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường trong nước và đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế mà còn giúp du khách đến với vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi đến thăm vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Suối Giàng.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ vào quy trình sản xuất đã giúp đồng bào Mông ở HTX Suối Giàng giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm trà vươn ra thị trường quốc tế.
Bà Lâm Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: "Bước đầu thí điểm triển khai đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng.
Đồng thời, cũng giúp du khách đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR có thể xem được các thông tin, câu chuyện kể về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bà con trong bảo tồn, giữ gìn cây chè quý. Hiện nay, HTX Suối Giàng đã có 4 dòng sản phẩm mang tên "Tuyết Sơn Trà” gồm: hồng trà, hoàng trà, diệp trà và bạch trà được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm... xuất khẩu sang thị trường Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc".
Để bảo vệ và phát triển vùng chè shan tuyết cổ thụ, các thành viên HTX Suối Giàng đã áp dụng các tiến bộ của KHKT vào việc chăm sóc chè. Theo đó cây chè được đốn tỉa hợp lý, sử dụng tầng thảm thực vật phân hủy thành mùn để duy trì và cung cấp dinh dưỡng cho cây, không sử dụng phân bón hóa học, đồng thời thu hái đúng thời điểm, đúng kỹ thuật. Tùy từng dòng trà mà búp chè được thu hái theo 1 tôm 2 lá hoặc nguyên búp chè chỉ có 1 tôm.
"Kể từ khi đi vào hoạt động, HTX cùng với bà con tự ủ phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ trên đồi chè cổ thụ. Chú trọng vào khâu sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản”, Bà Thoa chia sẻ.
Vùng nguyên liệu chè Shan tuyết ở xã Suối Giàng có gần 500 ha, trong đó phần diện tích cây mọc lên tự nhiên là gần 300 ha, phân bổ tại các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… Với khoảng 4 vạn cây chè đã có tuổi đời từ khoảng 100 đến 300 năm, cá biệt có những cây trên 500 năm tuổi. Lợi thế về cây chè cổ thụ với hương vị riêng đã được HTX Suối Giàng tận dụng để tạo ra những sản phẩm chè nổi tiếng. Chìa khóa ở đây chính là kết hợp với KHKT.
Bằng việc ứng dụng dây chuyền máy móc, chè được sơ chế sau khi thu mua về, đêm vào sao, vò và lên hương. Đặc biệt HTX Suối Giàng đã ứng dụng kỹ thuật lên men chè tự nhiên và bán tự nhiên để tạo ra 2 dòng sản phẩm chè quý hiếm có giá thành cao là bạch trà và hồng trà.
Bà Thoa cho biết: "Phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Nhật, Mỹ, Anh quốc, châu Âu, Trung Đông... với giá bán cao hơn nhiều lần so với trà Shan tuyết thông thường".
Trên mỗi sản phẩm chè Shan tuyết do HTX sản xuất hiện có gắn mã QR minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường, đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 thành viên và người lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và bảo tồn giống chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng.
Mạnh Cường