Ngành VH,TT&DL đã chủ động xây dựng kế hoạch CĐS một cách khoa học, bài bản. Trong tổ chức thực hiện đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đặc trưng, hiệu quả. Bên cạnh xây dựng kế hoạch CĐS hàng năm, ngành còn tổ chức hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động Sở VH,TT&DL cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số và các nền tảng,
công nghệ số như: nền tảng VNeID, YenBai - S, Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh...
Đồng thời triển khai đến 100% công chức, viên chức và người lao động Sở VH,TT&DL tham gia Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng tỉnh Yên Bái năm 2024”...
Từ kế hoạch CĐS của ngành, các đơn vị trực thuộc đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để xác định từng bước đưa CĐS vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đội Tuyên truyền lưu động - Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào quản lý, theo dõi và triển khai các hoạt động tuyên truyền lưu động; sử dụng các ứng dụng GPS, giúp quản lý lịch trình và địa điểm hoạt động chính xác hơn; các dữ liệu về lịch trình, đối tượng tuyên truyền, nội dung được lưu trữ và phân tích để tối ưu hóa, sau đó chuyển đến các tuyên truyền viên qua nền tảng Zalo nhằm phục vụ cho các buổi tuyên truyền sau này.
Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cho biết: Công nghệ số giúp cho những đợt tuyên truyền tại cơ sở ngày càng được đông đảo người dân biết đến. Những người dân không có thời gian đến xem trực tiếp tại điểm diễn vẫn có thể tiếp nhận thông tin cũng như tương tác và lan tỏa thông tin qua mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc YouTube.
Các tuyên truyền viên của Đội Tuyên truyền lưu động và khán giả có thể phát trực tiếp các chương trình tuyên truyền hoặc chia sẻ video, hình ảnh về các hoạt động của Đội, giúp tăng cường số lượng và thu hút người dân theo dõi.
Nhờ công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều hoạt động của Trung tâm Văn hoá tỉnh Yên Bái nên người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa. Trên hoạt động tuyên truyền trực quan, việc ứng dụng CĐS đã tạo ra những thay đổi theo xu hướng tích cực, tiện ích và hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.
Thường xuyên chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, cách làm hay, sáng tạo, mô hình điển hình về CĐS; những thành tựu, hiệu quả về CĐS và các vấn đề có liên quan trong công tác CĐS của ngành, cùng với Trung tâm Văn hóa tỉnh, các đơn vị trong ngành VH,TT&DL Yên Bái như: Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh… cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Tổ trọng tài vận hành các phần mềm công nghệ điều hành các trận đấu tại Giải Vô địch Võ Vovinam - Võ Karate các câu lạc bộ năm 2024.
Công nghệ số được thể hiện khá rõ nét trong tổ chức các giải thể thao. Giải Vô địch Võ Vovinam - Võ Karate các câu lạc bộ năm 2024 là giải thể thao đầu tiên được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh ứng dụng các phần mềm công nghệ để tổ chức, điều hành, xác định điểm, xác định thành tích cho các vận động viên trong quá trình thi đấu. Đối với môn Võ Karate là phần mềm Karate Score board; đối với môn Vovinam là phần mềm chấm điểm. Qua đó, giúp các vận động viên có môi trường, điều kiện tâm lý thi đấu tốt nhất.
Ông Đào Bình An - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cho biết: Trước đây khi chưa có sự hỗ trợ của công nghệ, các trọng tài thường phải làm việc thủ công do đó có tỷ lệ sai sót trong tổng hợp, xếp lịch... Việc đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tổ chức điều hành giải đấu đã khẳng định tính chuyên nghiệp cao của các giải thể thao phong trào tỉnh Yên Bái nói chung và Giải Vô địch võ các câu lạc bộ nói riêng.
Xác định CĐS là quá trình thực hiện áp dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số đối với các thư viện để bạn đọc dễ dàng tiếp cận với thư viện trên không gian số, Thư viện tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia xây dựng đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu xây dựng thư viện số gắn với CĐS tại Thư viện tỉnh Yên Bái”; triển khai tốt phần mềm thư viện nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất chuẩn nghiệp vụ đã được chuẩn hóa.
"Trong 9 tháng năm 2024, Thư viện tỉnh đã xử lý kỹ thuật 2.006 tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu với 36.684 tài liệu đúng hướng dẫn về quy định chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện số hóa 29.277 trang tài liệu, sưu tầm 7.407 trang tài liệu số để bổ sung vào các bộ sưu tập số, giúp bạn đọc tiếp cận với nhiều loại hình tài liệu; xây dựng 9.711 đơn vị tài liệu tra cứu bổ sung vào hệ thống mục lục, cơ sở dữ liệu…” - bà Đồng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Thư viện tỉnh Yên Bái cho biết.
Ưu tiên nguồn lực để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu trong công tác CĐS, ngành VH,TT&DL Yên Bái đã đẩy mạnh triển khai các nền tảng, ứng dụng dùng chung trên địa bàn tỉnh như: cung cấp
trợ lý ảo hỗ trợ cho công chức, viên chức và người dân; thư điện tử công vụ; phần mềm quản lý nhiệm vụ, công việc nội bộ; phần mềm quản lý công chức, viên chức... Việc tăng cường sử dụng, khai thác, phát triển các nền tảng số của tỉnh để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của các cấp, các ngành của tỉnh nói chung, ngành VHTTDL nói riêng đã góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số, giúp
người dân hạnh phúc hơn.
Thành Trung