TLA là một phần mềm có thể thực hiện các tác vụ dựa trên các câu lệnh hoặc tra cứu thông tin. TLA hỏi đáp tri thức chuyên ngành trong lĩnh vực cụ thể, được hiểu là giải quyết bài toán trong phạm vi hẹp hơn, giúp nâng tầm tri thức bằng cách giúp khai thác các tri thức ẩn, đây là loại tri thức rất khó được hệ thống hóa gắn với bối cảnh và công việc cụ thể. Đặc biệt, nền tảng TLA có thể cá thể hóa, càng dùng nhiều thì càng thông minh lên theo thời gian. Viettel đã nghiên cứu và đang hoàn thiện phần mềm TLA phục vụ đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước. Đây là nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) được kỳ vọng trở thành nhân tố "giúp việc” đắc lực của đội ngũ cán bộ công chức, giúp nâng cao hiệu quả công việc…
Ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết: "Yên Bái là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn tuy nhiên việc tiếp cận công nghệ, công cụ mới như TLA để phục vụ cho công tác chuyên môn đã được cán bộ công chức đón nhận tích cực. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn dữ liệu của tỉnh còn hạn chế do đang trong quá trình bổ sung, làm giàu cho TLA, Viettel sẽ tiếp tục khảo sát, "may đo” thêm dữ liệu cho TLA”.
Với mục đích phục vụ cán bộ, công chức, viên chức trong việc hỏi, đáp các nội dung, thông tin liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh; tư vấn pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sớm được tiếp cận với những tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nước và trên thế giới, tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai thí điểm nền tảng này đến hơn 9.700 cán bộ, công chức.
Ông Nguyễn Khánh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cho biết: "Trung tâm phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố cung cấp các thông tin, dữ liệu, số liệu, văn bản liên quan theo ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương để tổng hợp và cập nhật dữ liệu lên nền tảng TLA; phối hợp với Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh cung cấp tài khoản cho người dùng và tích hợp hệ thống đăng nhập dùng chung SSO của tỉnh…’.
Là người trực tiếp sử dụng TLA cán bộ, công chức, chị Nguyễn Hải Vân - Sở Công thương tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Khi mới sử dụng cũng có bỡ ngỡ, nhưng giờ quen rồi, tôi thấy rất hiệu quả. Bình thường tôi tìm thông tin qua Google nhưng thông tin dàn trải không cụ thể. Bây giờ có TLA hỗ trợ tôi thấy rất hữu ích, thông tin cần tìm cụ thể, chi tiết giúp tôi soạn thảo văn bản tốt hơn”.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu của tỉnh lên nền tảng TLA, gồm cập nhật trên 2.800 dữ liệu, thông tin công khai từ Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cập nhập trên 1.000 các thông tin, số liệu, dữ liệu do các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cung cấp… thực hiện việc thí điểm kết nối để cập nhật dữ liệu văn bản trên hệ thống văn phòng điện tử Voffice và Cổng dịch vụ công cho TLA. Đã tạo lập 10.477 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức tại 18 sở, ban, ngành; 9 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, có 2.154 người dùng với 23.303 câu chat, 1.048 lượt like, 581 lượt dislike với các câu trả lời từ nền tảng.
Thời gian tới, để đảm bảo triển khai thí điểm hiệu quả nền tảng TLA, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về ưu điểm, vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của công nghệ TLA để cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị áp dụng vào phục vụ công việc. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn sử dụng TLA cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để TLA thực sự là công cụ hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, góp phần thay đổi căn bản cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Hồng Duyên