Sau hơn ba năm nỗ lực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, bằng những giải pháp hữu hiệu, thiết thực, tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng trên cả ba trụ cột của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Yên Bái đã triển khai thí điểm tám mô hình chuyển đổi số, như: Tổ chuyển đổi số cộng đồng; chuyển đổi cấp xã, cấp huyện; chuyển đổi số tại các cơ quan, trường học; bình dân học AI; sổ tay đảng viên điện tử; công dân số và doanh nghiệp số… Mô hình này đã trở nên gần gũi, mang lại lợi ích thiết thực đối với mọi chủ thể tham gia. Trên địa bàn tỉnh hình thành mạng lưới tổ chuyển đổi số cộng đồng hoạt động ở 173/173 xã, phường, thị trấn và 1.356/1.356 thôn, bản, tổ dân phố, với hơn 10.850 người tham gia. Yên Bái là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập được 100% tổ chuyển đổi số cộng đồng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá hoạt động của tổ chuyển đổi cấp xã, cấp thôn.
Tỉnh đề ra 22 mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, trong đó có 15 mục tiêu phát triển chính quyền số, 2 mục tiêu phát triển kinh tế số và 5 mục tiêu phát triển xã hội số. Đến nay đã có 16/22 mục tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đạt hơn 72% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được số hóa; 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; gần 80% người dùng điện thoại thông minh sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh; gần 70% công dân trưởng thành sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử...
Chuyển đổi số trong công tác đảng được Yên Bái thực hiện thí điểm tại 11 tổ chức đảng với 61 chi bộ, gần 2.000 đảng viên tham gia sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử”, đưa Yên Bái thành tỉnh thứ ba trên toàn quốc triển khai nền tảng này.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái cho biết, khi được sử dụng các dịch vụ, người dân thấy rất tiện lợi, nhanh chóng và hài lòng, nhất là việc mua bán online, giao dịch không dùng tiền mặt đã phổ biến. Hầu hết người dân đều thành thạo tham gia các nhóm Zalo, Facebook, ứng dụng VNeID mức độ 2, qua đó, người dân có thể đề xuất ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến các cấp, ngành một cách nhanh nhất.
Các địa phương vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã được sử dụng rộng rãi internet chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển xã hội số. Điển hình như các bản: Háng Tày, Pú Vá, Kể Cả thuộc xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải vốn là "vùng lõm” vừa được phủ sóng di động 5G. Hơn 1.000 nhân khẩu nơi đây được Viettel Yên Bái hỗ trợ sử dụng dịch vụ công ích miễn phí hoàn toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chế Tạo Sùng A Dinh chia sẻ, việc phủ sóng 5G giúp đồng bào bảo đảm thông tin liên lạc, hỗ trợ phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh và phòng chống cháy rừng. Công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền địa phương được thuận lợi, xuyên suốt, nhất là trong trường hợp khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, tình huống đặc biệt, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn.
Khách du lịch đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn, dùng chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng là dễ dàng kiểm tra mã truy xuất QR-code được gắn trên từng cây chè tại vườn chè của Hợp tác xã Suối Giàng. Tuổi đời của cây, tọa độ, độ cao, thời tiết, khí hậu, độ ẩm tại vị trí cây chè sinh sống và đặc biệt là câu chuyện về mỗi gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, tất cả sẽ được hiển thị.
Chuyển đổi số đến từng gốc chè, giúp minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, giúp du khách thêm trải nghiệm thú vị khi đến thăm vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Suối Giàng. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào quy trình sản xuất giúp người H’Mông tại đây giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm trà vươn ra thị trường quốc tế.
Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng Lâm Thị Kim Thoa cho biết: Bước đầu thí điểm triển khai chuyển đổi số đối với cây chè Shan tuyết cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm. Du khách đến vùng chè có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR-code biết thêm các thông tin, câu chuyện kể về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo tồn, giữ gìn cây chè quý.
Việc thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố, với hệ thống cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện ngày càng hoàn thiện, làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Nhận thức, tư duy của người đứng đầu đơn vị đã tạo sự đồng thuận, từ nhận thức chuyển thành hành động; từ việc mới, việc khó đã mô hình hóa thành những việc cụ thể, làm được và đo đếm, đánh giá được, là cách làm hay của tỉnh Yên Bái.
(Theo NDO)