“Đại sứ số” của “phiên chợ số”

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2025 | 8:28:11 AM

YênBái - Năng động, sáng tạo và ứng dụng lợi thế của các nền tảng mạng xã hội, thanh niên Yên Bái đã và đang đưa đặc sản quê hương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tư duy nhạy bén cùng khả năng nắm bắt công nghệ, họ không chỉ đơn thuần kinh doanh mà còn trở thành những “đại sứ số” kể câu chuyện về sản vật, văn hóa và con người Yên Bái một cách chân thực, tạo nên những “phiên chợ số” nhộn nhịp.

Chị Bàn Thị Duyên ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (đứng thứ 2, từ phải sang) thực hiện một buổi livestream giới thiệu, bán nông sản.
Chị Bàn Thị Duyên ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (đứng thứ 2, từ phải sang) thực hiện một buổi livestream giới thiệu, bán nông sản.

Chị Bàn Thị Duyên - người dân tộc Dao đỏ ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên là một điển hình bằng sự nhạy bén, khả năng nắm bắt công nghệ đã khởi nghiệp thành công trên không gian số. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nghiệp, chị quyết định trở về và ấp ủ khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất mình sinh ra. Nơi đây, quế là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con qua các sản phẩm như tinh dầu, bột quế, quế thanh... Thế nhưng, nghịch lý là dù sản phẩm chất lượng, người nông dân vẫn luôn đối mặt với đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Chứng kiến sản phẩm quế của gia đình chung cảnh ngộ, chị trăn trở tìm hướng đi mới. 

Năm 2023, chị mạnh dạn xây dựng kênh trên TikTok và Facebook mang tên "Cô gái Dao đỏ”. Ban đầu, kênh đăng những video mộc mạc giới thiệu về cuộc sống thường ngày, về cây quế, các sản phẩm từ quế của gia đình chị và bà con trong xã. Sự chân thật, mộc mạc cùng năng lượng tích cực được chị truyền tải qua những video đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đến nay, kênh TikTok "Cô gái Dao đỏ” đã có hơn 111.000 người theo dõi và Facebook nhận được hơn 207.000 lượt thích.

 Qua các video chị đưa lên mạng xã hội, có nhiều người hỏi mua những sản phẩm từ quế. Khi người mua có nhu cầu, chị bắt đầu livestream qua kênh TikTok, Facebook để tư vấn, giới thiệu và bán các sản phẩm quế. Cứ khoảng 2 - 5 ngày, chị livestream bán hàng, mỗi buổi livestream thu hút 2.000 lượt người xem và hàng trăm lượt người mua hàng. Không chỉ đơn thuần bán hàng, chị còn trở thành cầu nối, giúp bà con địa phương tiêu thụ sản phẩm quế.

Chị Duyên cho biết: "Tôi may mắn nhận được sự yêu mến, ủng hộ của khách hàng trên khắp cả nước, họ tin tưởng đặt mua những sản phẩm từ quế và phản hồi rất tích cực. Nhờ công việc này, nhà em và nhiều bà con trong xã tăng thu nhập và ổn định kinh tế gia đình”. Ngoài ra, để quảng bá sản vật quê hương, chị còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các thanh niên trong xã về cách bán hàng trên mạng xã hội, quy trình quay dựng video cơ bản…

Bằng niềm đam mê và trân quý trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, chị Giàng Thị Mỷ ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn mở cửa hàng may trang phục truyền thống. Ban đầu, cửa hàng của chị Mỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển, tiếp cận khách hàng. Bằng sự nhạy bén, tận dụng lợi thế mạng xã hội, chị Mỷ phát sóng livestream để giới thiệu các sản phẩm trang phục của cửa hàng. Với khuôn mặt tươi tắn cùng giọng nói tràn đầy năng lượng, chị Mỷ đưa các sản phẩm đồ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên nền tảng Facebook, TikTok và được rất nhiều người yêu mến, đặt hàng. 

Chị Mỷ cho biết: "Tôi chủ yếu bán hàng trên các nền tảng như Facebook, TikTok và 80% doanh số của cửa hàng được bán trên các nền tảng này. Các sản phẩm bán chạy nhất là trên Facebook, chủ yếu thông qua các buổi livestream của tôi. Kể từ khi sử dụng mạng xã hội để bán hàng, thu nhập của gia đình tôi đã cải thiện rất nhiều, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”. 

Nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội, các sản phẩm của gia đình chị Mỷ có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường như Sơn La, Lào Cai, Hà Giang… Bên cạnh việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, chị Mỷ còn sử dụng Internet để tìm hiểu các thông tin về thiết bị, máy móc hỗ trợ sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Chị cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia vào các chương trình giới thiệu sản phẩm, tham quan, học tập tại các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các loại máy móc hiện đại, phù hợp với mô hình sản xuất. 

Năm 2023, chị đầu tư hệ thống máy thêu tự động trị giá hàng trăm triệu đồng giúp nâng cao năng suất lao động. Đến nay, cửa hàng may của gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 20 - 30 lao động, chủ yếu là phụ nữ Mông ở 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Những câu chuyện thành công của chị Bàn Thị Duyên, Giàng Thị Mỷ và nhiều bạn trẻ khác ở Yên Bái là minh chứng rõ ràng cho thấy sức sáng tạo, sự nhạy bén của thanh niên trong việc tận dụng các nền tảng số để phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa. Họ không chỉ tìm được con đường khởi nghiệp cho bản thân mà còn tạo ra sinh kế mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên mảnh đất quê hương. 

Thu Hiền

Tags Yên Bái chuyển đổi số đại sứ số Bàn Thị Duyên

Các tin khác
Yên Bái đặt mục tiêu 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu trong năm 2025

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu trong năm 2025 có 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.

Mỗi bài đăng trên mạng xã hội giúp chị Lường Thị Hoàn ở thôn Bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tiếp cận nhiều khách hàng trên cả nước.

Chuyển đổi số (CĐS) đã từng bước thâm nhập vào đời sống của người nông dân Yên Bái bằng những cách giản dị mà hiệu quả. Từ phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử đến sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật giá cả, kết nối thị trường; người nông dân đang từng bước chủ động, sáng tạo làm chủ công nghệ số.

Đồng chí Trần Thị Vân Nga - Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên (người thứ 2, phải sang) phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Với tinh thần năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với khoa học - công nghệ, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được kỳ vọng là những người tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), góp phần kiến tạo tương lai trên mọi lĩnh vực. Tại huyện Trấn Yên, tuổi trẻ địa phương đã và đang phát huy vai trò xung kích, đi đầu trong thúc đẩy quá trình CĐS.

Quang cảnh buổi tập huấn nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo AI và ứng dụng trong công việc của Công ty Điện lực Yên Bái.

Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái) vừa phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh tổ chức lớp tập huấn chuyên đề về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc” cho gần 400 cán bộ, kỹ sư, nhân viên đến từ nhiều bộ phận trong toàn Công ty.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục