Trong câu chuyện, các cụ: Nguyễn Huy Hảo, Nguyễn Thể và Nguyễn Huy Sơn cho biết: Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại tổng Đại Đồng, phủ Yên Bình, nay là xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trước khởi nghĩa Tháng 8, cán bộ cách mạng đã về làng gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng chuẩn bị đứng lên đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân.
Nghe theo lời cán bộ Việt Minh, người dân trong làng, trong tổng hưởng ứng phong trào cách mạng, tham gia Hội Nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, lũ trẻ như chúng tôi vốn chỉ chăn trâu, cắt cỏ, giúp đỡ cha mẹ công việc gia đình, tưởng như không được tham gia gì nhưng không phải vậy, các chú cán bộ, đặc biệt là chú Nguyễn Huy Chín - Phó Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chánh thư ký Nông hội của tổng Đại Đồng đã tập hợp chúng tôi lại và nói: "Giặc Pháp, giặc Nhật cướp nước ta, chúng áp bức, bóc lột làm cho dân ta đói nghèo, khổ sở. Nay chúng ta có cách mạng đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi bè lũ bán nước và cướp nước, giành độc lập, tự do về cho dân tộc, nhân dân ta ai ai cũng phải đoàn kết theo cách mạng. Các cháu cũng thế! Phải tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc. Các cháu có lợi thế là biết đọc, biết viết nên sẽ giúp được nhiều việc cho cách mạng. Người lớn sẽ hướng dẫn các cháu thực hiện nhiệm vụ”...
Nghe các bác, các chú nói vậy, chúng tôi thấy vinh dự và tự hào, từ đó tập hợp nhau lại, tham gia sinh hoạt, chép tài liệu, viết khẩu hiệu, đặc biệt dẫn đường cho bộ đội, chỉ điểm, báo tin, thám thính hoạt động của đám lính dõng và bọn quan lại, tham gia tuần hành, mít tinh... Hăng hái làm bất cứ việc gì mà cán bộ Việt Minh yêu cầu. Đội viên Nhi đồng cứu quốc vinh dự lắm, tự hào lắm khi đã tham gia cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa, chung sức với bộ đội, du kích lật đổ chính quyền tay sai, xây dựng chính quyền mới, cuộc sống mới, dù thời đó chẳng có mũ ca nô, khăn quàng đỏ như bây giờ.
Sau Cách mạng Tháng 8, các cụ Nguyễn Huy Hảo, Nguyễn Thể, Nguyễn Huy Sơn tiếp tục tham gia nhiều phong trào tại địa phương, đặc biệt là tham gia lực lượng thanh niên xung phong, mở đường giao thông phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 9/1953, cụ Nguyễn Huy Hảo được tuyển bổ sung vào D322 tại Điện Biên Phủ, chính thức cuộc đời binh nghiệp và trực tiếp chiến đấu trong những ngày gian khổ nhất tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, cụ tham gia tiễu phỉ tại khu vực Na Hang, Tuyên Quang, rồi chuyển sang thành lập Khu tự trị Việt Bắc.
Sau quá trình công tác và lập được nhiều chiến công, năm 1959 chiến sĩ Nguyễn Huy Hảo được cử đi đào tạo rồi được điều động về Tỉnh đội Yên Bái thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Yên Bái ngày càng lớn mạnh, trực tiếp chiến đấu với giặc Mỹ trong chiến tranh phá hoại như tham gia xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh trả không quân Mỹ khi chúng bắn phá tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Nhà máy Z183 và công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Hòa bình lập lại, đồng chí Nguyễn Huy Hảo tiếp tục tham gia công tác, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong lực lượng vũ trang Yên Bái. Năm 1986, Thượng tá Nguyễn Huy Hảo về nghỉ chế độ nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội trong đó phải kể đến như vận động thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh Hoàng Liên Sơn và tỉnh Yên Bái, tham gia Ban Chấp hành Hội nhiều năm liền và là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Xuất phát từ một Nhi đồng cứu quốc, tham gia nhiều phong trào cách mạng tại địa phương, năm 1954, đồng chí Nguyễn Thể nhập ngũ, công tác tại nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 328, tham gia chiến đấu tại nhiều tỉnh thành thuộc vùng Việt Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh; trực tiếp chiến đấu với giặc thù ở Quảng Yên, Hoành Bồ, Hải Ninh, Bình Liêu, Đồng Hỷ.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Thể đi học và trở thành chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn, chuyên vận chuyển vũ khí và bộ đội tại cung đường Quảng Bình khói lửa. Dũng cảm băng qua lửa đạn trên những chiếc xe "không kính”, bất chấp hiểm nguy và tính mạng, tinh thần dũng cảm của những chiến sĩ lái xe đã góp sức nhỏ bé của mình để Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng, đất nước được hòa bình. Năm 1984, đồng chí Nguyễn Thể về nghỉ hưu, sống thanh đạm tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
"Tôi nhập ngũ, biên chế luôn vào Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 174 anh hùng” - cụ Nguyễn Huy Sơn tự hào nói về Trung đoàn 174, Trung đoàn có bề dày thành tích chiến đấu hạng nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, với nhiều cá nhân, nhiều đơn vị từ tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn và cả Trung đoàn đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau rất nhiều lần di chuyển địa điểm, hiện nay Trung đoàn lại đóng quân trên quê hương Yên Bái, truyền thống vẻ vang vẫn luôn được phát huy cao độ; cán bộ, chiến sĩ vẫn gắn bó máu thịt với nhân dân địa phương.
Không có tuổi quân nhiều như các đội viên Nhi đồng cứu quốc Nguyễn Huy Hảo và Nguyễn Thể, cụ Nguyễn Huy Sơn vào bộ đội năm 1954 nhưng cũng đã trở thành một Khẩu đội trưởng khẩu đội cối 82 ly, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và lập được nhiều chiến công trong các trận chiến tại thượng Lào, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp đó là hoạt động cách mạng tại các tỉnh như: Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình... rồi quay trở lại Điện Biên gây dựng lực lượng xây dựng các nông lâm trường do bộ đội làm nòng cốt. Năm 1960, đồng chí Nguyễn Huy Sơn chuyển công tác về Tỉnh ủy Yên Bái và công tác trong ngành kiểm tra qua các thời kỳ trước khi nghỉ hưu.
Buổi hội ngộ của những cựu Nhi đồng cứu quốc, cựu chiến binh - những người đã băng qua lửa đạn thật rôm rả. Các cụ còn kể chuyện cụ Hảo đánh trống cái, cụ Sơn và cụ Thể đánh trống con trong lễ mít tinh mừng ngày độc lập năm 1945; chuyện dẫn đường cho bộ đội bắt giữ những tên việt gian, bán nước; chuyện đánh trận Him Lam, Hồng Cúm...; chuyện con cháu đã phương trưởng, có người đã là đại tá quân đội, rồi chuyện mừng ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam..., chuyện nào cũng rưng rưng niềm tự hào, viên mãn.
Lê Phiên