Giải mã những chữ đầu tiên trong cuốn sách bí ẩn nhất thế giới
- Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2014 | 2:21:29 PM
Trong suốt nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu đã “cố gắng trong vô vọng” để có thể giải mã những đoạn văn bản cổ được viết bằng một hệ chữ viết tay kỳ lạ mà người ta chưa từng thấy...
Một vài trang trong cuốn sách kỳ bí có niên đại 600 năm tuổi.
|
Mới đây, một nhà nghiên cứu người Anh khẳng định rằng ông đã giải mã được những chữ đầu tiên trong cuốn sách cổ bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại.
Cuốn sách nổi tiếng này có niên đại 600 năm, được viết bằng tay với rất nhiều hình minh họa về những loài thực vật, những hành tinh, những con người kỳ lạ… Điều đáng kể là văn bản của cuốn sách đồ sộ này được viết bằng một hệ chữ mà dù đã nhiều thập kỷ nghiên cứu trôi qua, các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn không thể giải mã.
Năm 1912, một người bán sách có tên Wilfred Voynich đã tìm thấy cuốn sách cổ này trong một tu viện ở Ý, sau này người ta gọi tên cuốn sách là Voynich theo tên của người đã tìm thấy nó.
Xác định niên đại cuốn sách cho thấy nó đã được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1404-1438, trùng với thời kỳ Phục hưng ở Ý. Cuốn sách được làm từ một loại giấy da đặc biệt và vẫn còn ở tình trạng hoàn hảo cho tới tận hôm nay.
Mới đây, giáo sư Stephen Bax đến từ khoa Ngôn ngữ học ứng dụng của trường Đại học Bedfordshire (Anh) đã gây ngỡ ngàng cho giới khoa học khi tuyên bố ông đã giải mã được những chữ đầu tiên trong cuốn sách cổ kỳ lạ này.
Phương pháp được giáo sư Bax sử dụng cũng gần giống như cách mà các nhà sử học đã áp dụng để giải mã những ký tự tượng hình của người Hy Lạp cổ đại.
Dù giáo sư Bax mới chỉ giải mã được một vài từ nhưng nó đã hâm nóng sự quan tâm, hứng thú dành cho việc giải mã ngôn ngữ của cuốn sách cổ vốn thách thức bao thế hệ nhà nghiên cứu.
Trước đây, vì sự bế tắc trong cách giải mã hệ chữ mà nhiều nhà khoa học còn đưa ra một giả thuyết rằng đây là cuốn sách “đại bịp” mà một kẻ “rỗi hơi” nào đó đã kỳ công sáng tạo ra với mong muốn “chơi khăm” những người hậu thế.
Tuy vậy, với những thành tựu giải mã ban đầu của giáo sư Bax, người ta có thể tin rằng đây không hề là một trò lừa bịp mà rất có thể là một nghiên cứu kỳ công về khoa học tự nhiên, được viết bằng một hệ chữ hiếm, có lẽ gần với hệ ngôn ngữ của các cư dân Châu Á hoặc Cận Đông.
Từ “cotton” là một trong những từ đầu tiên được giải mã sau khi giáo sư Bax nhận ra loại cây được minh họa ở đây.
Giáo sư Bax cũng giải mã được một từ dùng để chỉ chòm sao Nhân Mã.
Tổng cộng, giáo sư Bax đã giải mã được một số danh từ riêng như sau: Juniper, Taurus, Coriander, Centaurea, Chiron, Hellebore Nigella Sativa, Kesar và Cotton.
Gần đây, một nhà nghiên cứu thực vật học người Mỹ cũng chỉ ra rằng những minh họa về một số loài thực vật xa lạ trong cuốn sách cổ này chính là những minh họa chính xác về những loại cây có thật từng được trồng ở Trung Mỹ.
Trong số 303 loài thực vật xuất hiện trong cuốn sách cổ này, tiến sĩ Arthur Tucker đến từ trường Đại học Delaware (Mỹ) cho biết có ít nhất 37 loài đã từng được trồng ở khu vực Trung Mỹ hồi thế kỷ 15-16.
Một số loài thực vật kỳ lạ xuất hiện trong cuốn sách cổ này đã được nhà nghiên cứu thực vật người Mỹ - tiến sĩ Arthur Tucker - xác định là hoàn toàn có thật, chúng từng được trồng ở Trung Mỹ vào thế kỷ 15-16.
Sau nhiều thập niên đi vào bế tắc, gần đây, đã có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy việc giải mã cuốn sách bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại nhiều khả năng sẽ được thực hiện.
Cuốn sách nghiên cứu chủ yếu về sinh vật học và thiên văn học. Tuy được thực hiện rất kỳ công nhưng vì sự xa lạ của những hình vẽ minh họa và sự bế tắc trong giải mã ngôn từ mà nhiều nhà khoa học coi đây là một trò “chơi khăm” của người xưa.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày 24/2, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khai trương Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh được đặt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với tổng trị giá đầu tư là 74 tỷ đồng.
Các vaccine ngừa sởi đang sử dụng tại nước ta theo nghiên cứu, thử nghiệm đều có khả năng phòng ngừa chéo cho các loại chủng bệnh sởi dù là H1 hay D8...
Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học động vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã nghiên cứu và tạo thành công sản phẩm trứng gà giàu Omega-3 trên thị trường.