Nâng cao tình trạng dinh dưỡng người Việt Nam: Lựa chọn thông thái cho bữa ăn của trẻ
- Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2015 | 9:48:24 AM
YBĐT - Nhắc đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ, nhiều người sẽ nghĩ đến vấn đề còi xương, suy dinh dưỡng (SDD) mà ít hiểu về tình trạng dinh dưỡng khác như thừa cân, béo phì hay thiếu vi chất.
Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên tư vấn cách bổ sung vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ.
|
Hiện nay, tại Yên Bái, chưa có thống kê chính xác về số lượng trẻ bị thừa cân, béo phì, tỷ lệ thiếu vi chất, nhưng có điều dễ dàng nhận thấy, đây đang là vấn đề cần được ngành y tế tăng cường tuyên truyền, phổ biến và sự quan tâm của cha mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thảo, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái gần đây thấy con gái 3 tháng tuổi thường quấy khóc, ngủ không yên giấc, đổ mồ hôi nhiều, da nhợt nhạt. Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị thiếu canxi và sắt. Chị Thảo chia sẻ: “Vì sinh mổ, nghe mọi người nói, muốn vết mổ mau lành, phải kiêng khem nên tôi không dám ăn thịt bò, tôm. Cho bé bú mỗi bên một chút mà không hề biết sữa cuối mới chứa nhiều dinh dưỡng nhất”. Theo dõi cân nặng của con hàng tháng, chị Khánh ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cũng lo lắng: “Thấy bé thường xuyên ốm vặt, chậm tăng cân, được bác sĩ phân tích tôi mới hiểu vì thói quen chế biến thức ăn sẵn thay vì thực phẩm tươi sống đã vô tình làm con bị hao hụt lượng vitamin và khoáng chất”.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi là 24,9%, thể nhẹ cân là 14,5%, gầy còm là 6,8%; tỷ lệ béo phì ở trẻ em là 1,3%. Về vi chất dinh dưỡng, năm 2015, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 27,8%, thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 %, thiếu kẽm là 69,4%, tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 13,0% và tỷ lệ bà mẹ đang cho con bú có hàm lượng vitamin A sữa mẹ thấp 34,8%.
Để phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cho trẻ, các bà mẹ cần lưu ý, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ tắm nắng 10 - 15 phút mỗi ngày để hấp thụ nguồn vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Với người mẹ đang mang thai, phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tạo nguồn sữa tốt cho con, chú ý tới nguồn thức ăn giàu Vitamin D như: gan, trứng, cá biển, có thể uống thêm dầu cá, Vitamin D phối hợp với viên sắt để phòng thiếu máu. Khi 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, trẻ bắt đầu ăn bổ sung, bữa ăn phải đầy đủ 4 thực phẩm tinh bột, đạm, chất béo, Vitamin và chất khoáng. Cần chú ý khẩu phần ăn đa dạng, ưu tiên thực phẩm tươi sống, thường xuyên kết hợp các loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến để trẻ ngon miệng, đủ chất; sử dụng muối i - ốt trong chế biến…
Một thực tế khác, ở khu vực các nước phát triển như châu Âu, Trung Đông hay Bắc Mỹ, béo phì đang trở thành vấn nạn, thậm chí là căn bệnh nguy hiểm. Ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Yên Bái nói riêng, tình trạng béo phì tuy chưa nghiêm trọng nhưng đang có xu hướng tăng, tập trung ở khu vực thị trấn, thị xã, thành phố. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi "văn hóa thức ăn nhanh” cũng như khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nhiều phụ huynh vì bận rộn, muộn giờ vẫn thường cho con ăn sáng bằng bánh mỳ, bánh kem hay xúc xích… mà không mấy quan tâm liệu có trẻ đang thừa cân hay không? Cũng như những loại thức ăn sẵn, chiên nhiều dầu mỡ có hại cho sức khỏe như thế nào?
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định: “Béo phì ở trẻ em sẽ khó điều trị hơn so với người lớn và so với trẻ SDD, bởi trẻ thường rất thích ăn, ăn không kiềm chế được. Bố mẹ thương con nên cũng khó dứt khoát khi con đòi ăn. Việc khuyên các cháu rèn luyện thể lực càng không đơn giản khi thân hình trẻ đã nặng nề, dễ mệt khi tập, lại đã quá quen với việc ăn nhiều, vận động ít”. Bác sĩ Vân cũng cho biết thêm: “Việc thừa cân béo phì ở trẻ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp và nhiều bệnh khác. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ là phải có chế độ ăn hợp lý, giảm tinh bột, giảm chất béo, tăng chất xơ và hạn chế ăn sau 20 giờ. Các em cần được tham gia các hoạt động vận động nhiều hơn, phải tập thể dục mỗi ngày thay vì xem tivi, chơi game...”.
Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng chất là những thành phần không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Thực trạng trẻ em béo phì ngày càng tăng, cùng với khó khăn trong phòng chống SDD cho trẻ đang là vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên tiến hành ngay các giải pháp phòng chống, bởi nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng con người Việt Nam hiện tại và tương lai. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành y tế, các đơn vị chuyên môn và không ai khác, chính cha mẹ hãy là những người thông thái trong chế biến, lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.
Mai Linh - Thu Hiền
Các tin khác
Viện Hóa học - Vật liệu, Bộ Quốc phòng vừa công bố đã nghiên cứu và sản xuất thành công đông trùng hạ thảo tại Việt Nam.
Ở người già, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus... nhất là vào mùa lạnh. Việc dùng thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ, do vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người già là phòng bệnh. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, mùa đông các bệnh về hô hấp, các tai biến tim mạch tăng cao... điều đó cho thấy chủ động phòng tránh bệnh tật theo mùa có ý nghĩa quan trọng trong phòng bệnh.
Cặp song sinh Giang Thiên Bảo, Giang Thiên Ân chào đời khi mới 24 tuần tuổi và chỉ nặng 500 gram, 600 gram là trường hợp sinh non ít tháng, nhẹ cân nhất Việt Nam.
Hệ thống taxi bay đầu tiên trên thế giới sẽ được ra mắt ở thành phố Tel Aviv, Israel vào cuối năm nay. Nếu cho kết quả khả quan, dự án sẽ đi vào hoạt động chính thức vào năm 2018.