Cần nâng cao chất lượng đề tài, dự án khoa học và công nghệ
- Cập nhật: Thứ tư, 30/12/2015 | 10:40:31 AM
YBĐT - Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 của Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái nhận định: có nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật có xu hướng tránh những nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo; chỉ lựa chọn những vấn đề đơn giản, hàm lượng khoa học thấp, ít mạo hiểm, ít rủi ro...
Kiểm tra Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi ong lấy mật tại thị xã Nghĩa Lộ.
|
Tỉnh Yên Bái đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhân lực KH&CN. Đến nay, tỉnh có khoảng 1.100 lao động trong lĩnh vực KH&CN, trong đó có 665 người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong thực hiện chiến lược, tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể, đó là: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trong quá trình phát triển KH&CN; đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KH&CN; xã hội hoá hoạt động KH&CN; huy động sự đóng góp trí tuệ và vật chất cho sự nghiệp phát triển KH&CN.
Tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN chuyên nghiệp, trình độ cao; đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động KH&CN, đặc biệt đối với các lĩnh vực KH&CN ưu tiên; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cho hoạt động KH&CN trên địa bàn chủ yếu cân đối từ ngân sách nhà nước cấp. Từ đặc thù của tỉnh miền núi, sản xuất nông - lâm nghiệp là chủ yếu, nên đầu tư kinh phí cho xây dựng các dự án, mô hình trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp thường chiếm trên 50% tổng kinh phí nghiên cứu triển khai.
Gần đây, hoạt động KH&CN của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, bám sát các yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh. Đối tượng được hưởng lợi từ các đề tài, dự án, mô hình sản suất hầu hết là nông dân. Bà con được hỗ trợ về giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông - lâm sản.
Các đề tài, dự án khoa học, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nông lâm nghiệp chủ yếu do các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong tỉnh chủ trì thực hiện. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp.
Có thể nhắc đến, Dự án “Ứng dụng quy trình sản xuất chăn nuôi gà an toàn sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn đồi tại thành phố Yên Bái” do Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh chủ trì thực hiện; Dự án “Áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính - đường nghiệp” do Chi cục Thủy sản chủ trì; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi ong mật tại thị xã Nghĩa Lộ” do Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ thực hiện.
Rồi các Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lạc giống L14 vụ thu đông trên địa bàn huyện Yên Bình” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình chủ trì thực hiện; “Nghiên cứu biên soạn Tập bài tập tình huống và kỹ năng hoạt động cho cán bộ Đảng - chính quyền - đoàn thể cấp xã tỉnh Yên Bái” do Trường Chính trị tỉnh Yên Bái chủ trì; “Nghiên cứu Bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò”...
Từ năm 2011 đến 2014, tổng kinh phí phân bổ cho nhiệm vụ nghiên cứu triển khai là 37 tỷ 600 triệu đồng (chiếm khoảng 72% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học). Trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 168 đề tài, dự án và các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn đang triển khai 67 đề tài, dự án với kinh phí trên 10 tỷ đồng. |
Tuy nhiên, hầu hết các đề xuất nhiệm vụ trong thời gian vừa qua của các tổ chức, cá nhân đều có chất lượng không cao, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa có tính đột phá; các đề xuất chưa nắm bắt được nhu cầu bức thiết từ đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh.
Ông Nông Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN) cho biết: “Hàng năm, cơ quan quản lý tiếp nhận khoảng từ 130 - 150 đề xuất nhiệm vụ, tuy nhiên chỉ khoảng 30 - 40 đề xuất trong đó có thể đưa vào thực hiện và trong số này cũng rất ít đề xuất có chất lượng cao. Một số nguyên nhân chủ yếu là tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đúng mức đến khâu đề xuất nhiệm vụ KH&CN; một số nhiệm vụ chỉ do cá nhân đề xuất nên không sát với yêu cầu, không có tính khả thi. Thêm nữa, quy trình từ việc đề xuất, lựa chọn, phê duyệt đến nghiệm thu đề tài, dự án còn rườm rà, mất nhiều thời gian; nhất là quy trình về cấp, thẩm định, thanh quyết toán kinh phí, gây ra tâm lý “ngại” đề xuất và thực hiện đối với tổ chức, cá nhân”.
Những người làm khoa học ở Yên Bái cũng cho rằng, đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN từ ngân sách còn thấp so với yêu cầu; đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung dẫn tới có một số đề tài, dự án hiệu quả không cao và chưa có nhiều dự án, mô hình có quy mô lớn. Về chủ quan thì chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác đánh giá hoạt động nghiên cứu chưa thỏa đáng; quyền hạn, trách nhiệm chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên chất lượng các hội đồng tư vấn chưa cao.
Trong đánh giá kết quả và hiệu quả của các đề tài, dự án hầu hết đều chưa quan tâm đến “sự kéo dài” của đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; kết quả, hiệu quả kinh tế chưa thể rõ được ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Có những đề tài, dự án phải qua một thời gian vài năm mới có thể thấy được hiệu quả.
Trong định lượng giá trị của kết quả nghiên cứu có xu hướng thiên về giá trị kinh tế đã tạo một áp lực trong nghiên cứu, mà chưa cố gắng xem xét hiệu quả tổng hợp về nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn, đời sống, KH&CN, môi trường, tính đa lợi ích của hoạt động nghiên cứu khoa học... làm cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật có xu hướng tránh những nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo, chỉ lựa chọn những vấn đề đơn giản, hàm lượng khoa học thấp, ít mạo hiểm, rủi ro...
Việc sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kém, rất chậm đổi mới công nghệ. Tổ chức KH&CN chưa hình thành hệ thống từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đội ngũ cán bộ KH&CN lại hoạt động phân tán ở các sở, ban, ngành, cấp huyện, nên không tạo được sức mạnh tổng hợp.
Trên cơ sở chú trọng thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhất là việc nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN, nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư. Đồng thời, Yên Bái rất cần sự quan tâm phối hợp hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN trong thời gian tiếp theo.
Ông Lê Xuân Thành - Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Yên Bái:
Tôi cho rằng, nhiều đề tài, dự án ứng dụng không khó với những đối tượng được hưởng lợi là người dân, nhưng để nói có hiệu quả thì lại là một vấn đề. Bởi vì, KH&CN chỉ là một phần, một góc trong chuỗi thúc đẩy phát triển kinh tế. Ở đó, thị trường là xương sống. KH&CN có thể mang lại hiệu quả trong một quy mô để đáp ứng thị trường, nhưng làm với quy mô lớn, làm theo phong trào thì thị trường mới quyết định chứ không phải KH&CN. Bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ:
Điều quan trọng, đơn vị chủ trì và người thực hiện đề tài, dự án phải có tâm, phải có trách nhiệm rất cao, phải biết sau khi kết thúc đề tài, dự án thì làm cái gì. Đặc biệt, phải xác định được đối tượng của các đề tài dự án khoa học là người dân. Người dân có làm được thì đề tài, dự án mới có sức sống và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. |
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT – Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái vừa có văn bản về việc cảnh báo miếng dán độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc và khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng những sản phẩm này.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết Trung Quốc đã có số lượng đăng ký bằng sáng chế cao kỷ lục trong năm 2014.
Dịch tai xanh xuất hiện và hoành hành ở Việt Nam liên tục gần 10 năm qua và phần lớn vaccine tai xanh phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (Đin-ma Rút-xép) đã ký văn bản cho phép tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine (vắc-xin) phòng sốt xuất huyết do Viện nghiên cứu Butantan của nước này sản xuất.