Kỹ thuật gieo ươm và chăm sóc cây quế trong vườn ươm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2016 | 9:39:36 AM

YBĐT - Chăm sóc cây quế trong vườn ươm giữ vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây. Sau đây là những kỹ thuật cơ bản chăm sóc cây quế.

1. Gieo ươm tạo cây giống:

Chọn vị trí làm vườn ươm: phải là nơi đất tốt, thoát nước, không bị úng ngập, gần nguồn nước sạch và đường giao thông để thuận lợi cho việc bốc xếp, vận chuyển cây giống.

Dùng vỏ bầu polyetylen, kích thước 8 x 12 cm

Thành phần ruột bầu: chọn đất mùn tơi xốp trộn với 2 % phân lân hoặc phân NPK.

Hạt giống trước khi gieo phải sàng sạch cát cho hạt vào rổ đãi trong nước lã, vớt bỏ hạt nổi, hạt thối rồi hong hạt trong bóng râm cho se nước rồi có thể gieo ngay.

Bà con có thể tiếp tục ngâm hạt trong nước ấm 30 - 40oC trong 3 tiếng, vớt ra để ráo nước rồi ngâm tiếp vào thuốc tím nồng độ 0,01% trong 15 phút rồi đem ủ với cát ẩm từ 10-12% (không ướt) tỷ lệ 1 hạt + 2 cát, thường xuyên kiểm tra và tưới nước đủ ẩm cho hạt, đến khi hạt nứt nanh đem đãi sạch cát rồi tiến hành tra hạt vào bầu, nên chọn hạt nứt đem gieo trước.

Gieo hạt giống vào bầu: gieo 1 hạt/bầu (Theo kinh nghiệm, rìa ngoài luống gieo 2 hạt để chủ động có cây cấy dặm vào những bầu hạt bị thối hoặc chết), gieo ở độ sâu từ 1 - 1,5 cm và phủ kín hạt bằng đất tơi mịn.

2. Tưới nước:

Duy trì độ ẩm cần thiết trong đất cho cây phát triển. Lượng nước và số lần tưới tuỳ theo từng độ tuổi của cây và khí hậu thời tiết. Khi tưới phải sử dụng nước sạch và dùng ô doa để tưới.

- Đối với luống hạt mới gieo hoặc cây non ở giai đoạn cây mầm có độ cao dưới 5 cm, dùng bình phun sương (hoặc ô doa lỗ nhỏ) để tưới. Tưới mỗi ngày 1 lần, lượng nước tưới 2 - 3 lít cho 1 m2 mặt bầu.

- Đối với luống mà cây có độ cao 5 cm trở lên bà con dùng ô doa tưới nước đủ ẩm hàng ngày. Lượng nước tưới từ 4 - 5 lít cho 1 m2 mặt bầu, trời râm mát tưới 1 lần/ngày, trời nắng tưới 2 lần.

- Tưới nước vào sáng sớm và chiều tối. Không tưới ướt sũng mặt luống dễ gây thối rễ và nấm bệnh phát triển.

3. Che nắng, che mưa, chống rét:

- Che nắng: phải có giàn che cho cây làm bằng tre, nứa, lá hoặc lưới polyetylen màu đen, chiều cao giàn che khoảng 1,8 - 2,0 m để tiện đi lại và chăm sóc.

Cây con từ 1 - 3 tháng đầu, mức độ che bóng 60 - 70% ánh sáng.

Cây con từ 3 - 6 tháng tuổi, cần che bóng khoảng 40 - 50%.

Sau tháng thứ 7, giảm mức che bóng xuống 20 - 25% và trước lúc trồng 1 tháng thì dỡ bỏ toàn bộ giàn che.

- Che mưa: khi thời tiết mưa to, gió lớn cần phải che cây để bảo đảm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường, không để bùn đất do nước mưa bắn lên bám vào lá, ngăn cản sự hô hấp và quang hợp của cây.

- Chống rét: những ngày có sương muối giá buốt phải tưới rửa sương bám trên lá cây vào sáng sớm tránh bị cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua. Hoặc bố trí các đống hun khói đủ xua tan sương muối giữ ấm cho cây về ban đêm.

Không gieo hạt, cấy cây vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 13oC.

Làm giàn che hoặc che phủ nilon giữ ấm cho hạt và cây mạ mới gieo.

Lưu ý: khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, bà con cần bón bổ sung thêm phân lân, phân kali để giúp cây cứng cáp, tăng khả năng chống chịu với giá rét.

4. Bón phân:

Tuỳ theo điều kiện có thể sử dụng các loại phân khác nhau để bón thúc cho cây con như phân chuồng hoai, phân đạm (N), phân lân (P), phân kali (K) hoặc phân tổng hợp (NPK). Thời gian và phương pháp bón như sau:

- Sau khi cấy 3 - 4 tuần mới bón thúc lần đầu, 1 - 2 tuần bón thúc 1 lần.

- Phương pháp bón: hoà phân vào nước lã sau đó dùng ô doa tưới đều trên mặt luống.

+ Giai đoạn cây còn nhỏ dưới 5 cm, pha 50 gam NPK trong 15 lít nước tưới cho 5 m2 mặt bầu.

+ Giai đoạn cây đạt chiều cao từ 5 cm trở lên, pha 75 gam NPK trong 15 lít nước cho 5 m2 mặt bầu. Tuỳ theo tốc độ sinh trưởng của cây mà có thể quyết định lượng nước tưới và lượng phân bón cho phù hợp. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi tưới phân xong phải dùng nước lã để tưới rửa, không để phân bám nhiều gây cháy lá, lượng nước rửa 2 lít/m2 luống.

5. Đảo bầu, cắt xén rễ:

- Đảo bầu: khi cây cao 7 - 10 cm tiến hành đảo bầu, phân loại, xếp cây lớn riêng, cây nhỏ riêng để tiện chăm sóc. Tuỳ thời gian nuôi cây trong vườn ươm có thể sắp xếp lại như thế 1 - 2 lần.

- Cắt xén rễ: việc cắt xén rễ cho cây con ở vườn ươm nhằm mục đích kích thích cây mọc thêm nhiều rễ con, hạn chế rễ cọc, làm tăng độ đồng đều của cây và cũng là một biện pháp hãm cây để cây cứng cáp khi trồng rừng đạt tỷ lệ sống cao. Khi đảo bầu kiểm tra thấy rễ mọc thò ra khỏi túi bầu thì tiến hành dùng kéo cắt xén rễ, sau khi cắt rễ, xếp bầu vào luống, tưới nhiều nước cho cây. Khi cắt xén rễ xong cây con có thể bị héo cần che bóng cho cây đến khi cây phục hồi mới bỏ giàn che.      

6. Hãm cây:

Trước khi xuất vườn từ 2 - 4 tuần, cần hãm cây để cây con cứng cáp, dễ thích ứng trước khi đem đi trồng rừng. Phương pháp hãm như sau:
- Lần tưới thúc cuối cùng chỉ tưới phân lân và kali.

- Giảm dần việc tưới nước cho đến khi xuất vườn.

- Ngoài ra, việc đảo bầu, cắt xén rễ cũng có tác dụng hãm cây, làm cho cây con cứng cáp dần lên.

7. Bệnh hại cây con:

Cần đề phòng bệnh cháy lá, thủng lá, lở cổ rễ thường xuất hiện vào giai đoạn cây con ở vườn ươm, thời kỳ ẩm độ cao, mưa nhiều, bệnh có thể làm cho cây con chết hàng loạt. Chủ động phòng bệnh khi trời mưa ẩm kéo dài bằng cách dùng Boóc đô 1% phun 1 lít /4 m2 và tạo sự thông thông thoáng trong vườn ươm, loại bỏ những cây, bộ phận bị bệnh để tránh lây lan.

Biện pháp phòng trừ: dùng Boóc đô nồng độ 1%, định kỳ 15 ngày phun 1 lần hoặc dùng Benlát, Anvil... để phun theo hướng dẫn trên bao bì.

8. Tiêu chuẩn cây con đem trồng:

Là những cây được nuôi dưỡng trong vườn ươm khoảng 1 năm tuổi, từ 9 - 14 tháng (tùy thuộc thời vụ trồng), chiều cao cây khoảng 25 - 30 cm, đường kính gốc lớn hơn 3 mm, có từ  5 - 7 lá, thân thẳng và chỉ có 1 thân, lá xanh, không cụt ngọn, không sâu bệnh.

 Phạm Thị Hảo (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Các tin khác
Cán bộ Sở KH&CN  kiểm tra sinh trưởng của giống tằm SL1 tại xã Tân Đồng (Trấn Yên).

YBĐT - Thông qua việc triển khai các hoạt động phối hợp giữa Tỉnh đoàn Yên Bái và Sở KH&CN, đã góp phần nâng cao nhận thức cho ĐVTN về vai trò, vị trí của KH&CN trong sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội; tạo môi trường để thúc đẩy tuổi trẻ hăng say trong học tập, sáng tạo trong đoàn viên thanh niên.

Nhân viên dịch tễ Hàn Quốc đang xịt muỗi phòng dịch Zika lan đến nước này.

Giới khoa học Brazil phát hiện vi rút Zika trong màng ối của hai sản phụ, một bằng chứng cho thấy khả năng vi rút này có thể xuyên qua nhau thai gây ảnh hưởng đến thai nhi.

GyroGlove là chiếc găng tay giúp người bị Parkinson giảm thiểu tới 90% tình trạng bị run tay, lấy cảm hứng từ hoạt động của các con quay.

Thu thập ấu trùng của những con muỗi truyền virus Zika.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16-2 tuyên bố ủng hộ việc thử nghiệm muỗi biến đổi gen, để phòng chống virus Zika...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục